Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên đã phát huy những kết quả đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, triển khai nhiều giải pháp quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế một cách toàn diện.
Theo ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, trong hai năm qua, Phúc Hòa luôn coi việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Vì vậy xã đã phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, quyết tâm phấn đấu xã Phúc Hòa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc hơn; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… cũng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, theo nhu cầu của thị trường. Cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần người dân cũng ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, Phúc Hòa đã triển khai nhiều mô hình nông thông mới tiêu biểu, là điểm để lan tỏa, nhân rộng trên toàn huyện. Trong đó phải kể đến việc xây dựng mô hình xã thương mại điện tử. Đây là một trong 3 xã trên toàn quốc được Bộ NN&PTNT chọn làm thí điểm.
Để thực hiện, xã đã xây dựng thuyết minh và dự toán xã thương mại điện tử và được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Trong đó tập trung xây dựng một mô hình bán hàng trực tiếp để vận hành và duy trì mô hình giới thiệu và bán trực tiếp các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn xã, sản phẩm OCOP của huyện và các vùng lân cận tại thôn Lân Thịnh. Đồng thời triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động sản xuất để xây dựng nhật ký điện tử, tạo mã QR code hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm của 140 thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã thuộc 13 vùng sản xuất đã được cấp mã vùng sản xuất. Hay việc xây dựng bản đồ số hóa sản phẩm nông nghiệp gắn với các địa danh văn hóa, vùng sản xuất lớn xã Phúc Hòa nhằm hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, bán sản phẩm nông nghiệp trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, xã phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử như hỗ trợ tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử... cho người dân trên địa bàn xã. Nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, xây dựng nội dung và giới thiệu, bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cho các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Thông qua mô hình xã thương mại điện tử giúp người dân trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm kết nối với chủ thể sản xuất, khách hàng thông qua các mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử uy tín, phổ biến trên thị trường để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của địa phương. Đồng thời giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương theo hướng hiện đại, bền vững.
Ngoài mô hình trên, theo ông Ngô Văn Tiệp, xã Phúc Hòa còn thành công trong việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tiêu biểu là việc phát triển kinh tế vườn đồi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cây ăn quả có giá trị sản xuất cây ăn quả của xã phát triển cả về quy mô và chất lượng với một số loại như: Vải sớm, ổi lê, bưởi... với diện tích là 820 ha, vải sớm với diện tích là 720 ha, cây ổi lê 69 ha.
Đặc biệt, Phúc Hòa là địa phương có cây vải "tổ", cây giống "đầu dòng", là nguồn nguyên liệu nhân giống vải chín sớm chất lượng cung cấp cho các xã trong huyện và vùng lân cận. Đến nay, vùng vải sớm Phúc Hòa có diện tích 720 ha, trong đó có 332,43 ha diện tích sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP, 35 ha đạt tiêu chuẩn Global.GAP, 70 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ….
Trên địa bàn xã đang có 4 mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP), với diện tích 35 ha tại thôn Phúc Lễ 10 ha với 11 hộ tham gia; thôn Lân Thịnh 10 ha với 16 hộ tham gia, thôn Quất Du 2 có 2 mô hình tổng là 15 ha với 20 hộ tham gia. Các hộ tham gia vào 4 mô hình này sản phẩm sản xuất ra đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada…
Ngoài ra trên địa bàn còn có 11 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sản phẩm sản xuất ra đủ tiêu tuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Phúc Hòa còn nổi tiếng với sản phẩm ổi lê, tuy diện tích không lớn nhưng đã hình thành và phát triển được vùng sản xuất ổi lê với diện tích 69 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã có 35 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giá trị sản xuất từ cây ổi lê đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm, sản phẩm ổi lê được coi là sản phẩm quả "ngon" và "sạch" được người tiêu dùng chấp nhận, tin dùng. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã được quan tâm như: mô hình sản xuất ổi trong nhà lưới; hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm; sử dụng thiết bị bay không người lái khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa khâu làm đất, cắt cỏ… Giá trị sản xuất/ha đất canh tác năm 2024 đạt 350 triệu đồng (tăng trên 50 triệu đồng so với năm 2023); góp phần tăng thu nhập của người dân đạt 61,5 triệu đồng/người/năm.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại Phúc Hòa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được nâng cao từ năm 2022 đến nay luôn đứng trong tốp đầu của huyện Tân Yên. Phúc Hòa cũng là xã đầu tiên được Chủ tịch UBND huyện Tân Yên công nhận lại "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 5 năm liên tục (2016-2021)". Đặc biệt, xã đã xây dựng thành công 3 thôn đạt "Khu dân cư văn hóa điển hình sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"; 4 thôn được công nhận "Thôn nông thôn kiểu mẫu" góp phần xây dựng huyện Tân Yên thành "Miền quê đáng sống".
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh, tất cả các thôn trong toàn xã đều có ít nhất hai câu lạc bộ thể dục thể thao, hàng năm cung cấp nhiều vận động viên năng khiếu cho huyện, tỉnh đi thi đấu. Nhiều năm liên tục đứng trong tốp đầu của huyện về thành tích huy chương tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao do huyện tổ chức.
Bài học kinh nghiệm
Có được những kết quả tích cực này chính là sự đúc rút từ những bài học, kinh nghiệm đáng quý trong suốt quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Ngô Như Tiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực và làm tốt công tác xã hội hoá. Đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp sáng tạo mang lại hiệu quả cao phù hợp với đặc điểm của địa phương tập trung nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn có tác động trực tiếp trên mọi lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội của người dân. Vì vậy phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để mọi người dân hiểu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới nâng cao là phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới nâng cao, mọi việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, để từ đó nhân dân tin tưởng và tích cực, tự giác tham gia...
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành phải được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó xác định các nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời làm tốt việc dân chủ, công khai minh bạch dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao phải trên cơ sở kế thừa, phát huy và phát triển bền vững những tiêu chí đã đạt, bổ sung, nâng cấp, chỉnh trang để hoàn thiện những tiêu chí gần đạt và tập trung chỉ đạo quyết liệt những tiêu chí khó đạt. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết" nhằm tạo thêm nguồn vốn với phương châm "Lấy sức dân để chăm lo cho người dân", kết hợp với vốn ngân sách để tập trung vào các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của nhà nước.
Phải xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, công tác phối hợp tuyên truyền vận động của mục tiêu quốc gia và các đoàn thể; động viên tinh thần nêu gương, trách nhiệm của cán bộ đảng viên, khơi dậy tính tự lực, tự cường, chủ động tích cực của người dân; đa dạng hóa các nguồn lực, tạo sự thống nhất chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó là đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở những tập thể, cá nhân chưa làm tốt, qua đó khích lệ những tập thể, cá nhân tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thiện Tâm