Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Vân cho rằng, quy định chênh lệch từ 8 năm đến 12 năm là quá lớn. Theo giải thích của cơ quan chức năng là do có sự chênh lệch lớn về nhu cầu giữa các tỉnh và thành phố, tuy nhiên theo bà Vân việc giải thích này còn chưa sát với thực tế và có mâu thuẫn với các điều kiện khác.
Việc chênh lệch về nhu cầu giữa các tỉnh và thành phố là có thật nhưng sự chênh lệch giữa số lượng xe ở các thành phố và các tỉnh còn lớn hơn.
Theo khoản 7 Điều 17 Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi ở các tỉnh phải có số lượng xe tối thiểu là 10 xe, ở các thành phố đặc biệt là 50 xe (gấp 5 lần). Ở các tỉnh thì chỉ có vài doanh nghiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi còn ở thành phố thì có đến hàng chục doanh nghiệp. Hơn nữa, đoạn đường đi taxi ở thành phố cũng ngắn hơn rất nhiều so với ở các tỉnh...
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Vân đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng xe taxi phù hợp với thực tế hơn.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi như sau:
Ngày 10/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó tại khoản 3 Điều 17 của Nghị định quy định, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt, không quá 12 năm tại các địa phương khác. Trước đây, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ có quy định niên hạn của xe taxi là 12 năm.
Tuy nhiên khi soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP, để nâng cao chất lượng dịch vụ đối với loại hình vận tải bằng xe taxi tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị đặc biệt, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội và ý kiến góp ý của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (văn bản góp ý số 025/HHVT-TV ngày 11/4/2014), Ban soạn thảo Nghị định đã nhất trí tiếp thu đưa vào quy định "xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị và 12 năm ở các địa phương khác".
Nội dung nêu trên đã được gửi xin ý kiến (trong thời gian từ tháng 4/2014 đến khi ban hành Nghị định) các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố cũng như các Hiệp hội vận tải và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Các ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định đều không đề cập đến quy định về niên hạn nêu trên (được hiểu là đồng ý với dự thảo). Riêng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam còn đề nghị rút ngắn xuống 7 năm. Dự thảo Nghị định cũng đã được thẩm định theo quy định trước khi trình Chính phủ ban hành.
Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành và cần thực hiện đúng quy định. Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu và các Sở Giao thông vận tải cập nhật, tổng hợp ý kiến góp ý, các vấn đề nảy sinh để đánh giá và đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh vận tải của người dân, đồng thời phải đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.
Sau một thời gian thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng các cơ quan liên quan đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh.
Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn ý kiến góp ý của bà Nguyễn Tuyết Vân đối với ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành cũng như góp ý kiến để xây dựng các quy định tạo thuận lợi nhất cho người dân và bảo đảm phù hợp pháp luật.