Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước hết, cần đánh giá thực trạng; chỉ rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cũng như những “điểm nghẽn” cản trở việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, như: Quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng; tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, giống; công nghệ; thị trường; thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Từ những đánh giá trên, cần xác định rõ giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Cần tính đến các giải pháp tổng thể về quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng lực dự báo, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận các giải pháp đảm bảo thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế; trách nhiệm bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm lợi ích của người nông dân đã đóng góp đất đai cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời xác định doanh nghiệp là động lực chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp và chỉ rõ mục tiêu phát triển doanh nghiệp nông thôn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Nghị quyết về một số giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị định về tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...).
Nhờ chủ trương và chính sách đúng đắn, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước đầu tư. Từ đó, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, Phó Thủ tướng nói.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đã từng bước được nâng cao. An ninh lương thực quốc gia được đảm bảo. Việt Nam đã có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới.
Năm 2017, Việt Nam có hơn 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: Thuỷ sản 8,3 tỷ USD; rau quả 3,05 tỷ USD; hạt điều 3,5 tỷ USD; cà phê 3,24 tỷ USD; hạt tiêu 1,1 tỷ USD; gạo 2,6 tỷ USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 1,03 tỷ USD…
6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản hơn 3,9 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD; rau quả 2 tỷ USD; gạo 1,8 tỷ USD; hạt điều 1,7 tỷ USD…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn chung ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.
“Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm
Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó, những tác động nhanh chóng, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những diễn biến phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
“Lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Do đó, phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Để giải quyết những yêu cầu trên, việc thúc đẩy doanh nghiệp (trong đó có các hợp tác xã) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
“Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khoa học, khép kín”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Hội nghị lần này là dịp để đánh giá một các nghiêm túc, khách quan, khoa học về những việc đã làm được cũng như những hạn chế, yếu kém trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua.
Từ đó, đề ra những giải pháp thu hút nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp cũng như khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn./.
Xuân Tuyến