Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Tài (Bắc Giang) đề nghị giải đáp các thắc mắc sau:
- Nhà giáo đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong thời gian nghỉ thai sản (nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm) thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề là 70% mức lương hiện hưởng theo quy định của Nghị định số 76/2019/NĐ-CP có đúng không?
- Nhà giáo đang công tác tại nơi không là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong thời gian nghỉ thai sản (nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm) thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Quyết định số 244/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT là đúng hay sai?
- Nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong thời gian nghỉ thai sản (nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm) thì có được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề là 50% mức lương hiện hưởng theo quy định tại Quyết định số 244/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT không? Nếu được thì cơ quan nào có trách nhiệm chi trả khoản phụ cấp trên? Trường hợp cơ quan có trách nhiệm không chi trả khoản phụ cấp trên cho nhà giáo theo quy định thì nhà giáo phải làm gì, đến cơ quan nào để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình?
- Các xã ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa có được hiểu là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định mới hiện hành không? Nếu không thì cách hiểu về xã hải đảo, vùng sâu, vùng xa hiện nay như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau
Chế độ chính sách nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ. Theo đó, thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này.
Thời gian không tính hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục
Chế độ phụ cấp ưu đãi của nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Theo đó, thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghthaiị định số 204/2004/NĐ-CP; thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành; thời gian bị đình chỉ giảng dạy.
Đối với giáo viên trong thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội hiện hành (6 tháng) thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi; còn trong thời gian nghỉ thai sản (6 tháng) giáo viên này được hưởng chế độ theo Luật BHXH số 58/2014/QH13; Hướng dẫn tại Thông tư số 59/2015/TT-BGDĐT ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chế độ chính sách nhà giáo đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ. Theo đó, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định này, bao gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chinhphu.vn