Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh bãi giữa sông Hồng đoạn cầu Nhật Tân.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66.1/2025/NQ-CP ngày 18/7/2025 quy định xử lý khó khăn, vướng mắc về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Nghị quyết này quy định về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; áp dụng đối với khu vực hình thành đô thị có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có quy mô dân số dự báo theo thời hạn 10 năm đạt từ 45.000 người trở lên đối với thành phố trực thuộc trung ương; từ 15.000 người trở lên đối với tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; từ 21.000 người trở lên đối với các tỉnh hình thành sau sắp xếp còn lại.
Nguyên tắc và yêu cầu lập mới, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phân khu
Nghị quyết nêu rõ: Quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị có thể được lập mới, điều chỉnh đồng thời với quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị và được phê duyệt trước khi phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị. Sau khi phê duyệt, quy hoạch phân khu được cập nhật, tích hợp trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Nội dung quy hoạch phân khu đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn và bảo đảm các yêu cầu: Ranh giới, quy mô diện tích lập quy hoạch phân khu tại quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trên cơ sở rà soát, xác định tính chất, chức năng, vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến lập quy hoạch; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định của pháp luật có liên quan.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập mới, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phân khu
Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu.
Cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu trên cơ sở báo cáo thẩm định và hồ sơ do cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh trình.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi phê duyệt trong trường hợp việc lập quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị làm thay đổi vượt quá các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh theo pháp luật về đất đai.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi tổ chức lập mới, điều chỉnh trong trường hợp quy mô dân số dự báo thấp hơn mức quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.
Trình tự, thủ tục lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu tại khoản 1, 2 và 3 Điều này theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (18/7/2025) đến hết ngày 28/02/2027.
Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có hiệu lực thi hành sau ngày Nghị quyết này được thông qua và trước ngày 1/3/2027 thì các quy định tương ứng được ban hành trong Nghị quyết này chấm dứt hiệu lực.
Trong thời gian các quy định của Nghị quyết này có hiệu lực, nếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục trong Nghị quyết này khác với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp - Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 17/7/2025 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang và Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu) theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hằng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiệm vụ của Ban Quản lý
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trưởng ban Ban Quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 1548/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 17//7/2025; bãi bỏ Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp.
Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Trần Đức Thắng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 17/7/2025 điều động ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.