Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cơ quan ông Lê Vinh (Quảng Trị) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng (tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng).
Ông Vinh hỏi, chủ đầu tư trực tiếp sử dụng bộ máy và thuê 1 cá nhân có chuyên môn về xây dựng (kỹ sư xây dựng) để tự thực hiện quản lý dự án với các vị trí: Giám đốc Sở làm Giám đốc ban quản lý dự án; Trưởng Phòng Kế hoạch và Kế toán trưởng là thành viên; thuê kỹ sư xây dựng để phụ trách kỹ thuật thì có phù hợp không?
Nếu chủ đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tự thực hiện quản lý dự án thì chủ đầu tư ra quyết định thành lập ban quản lý dự án hay tổ giúp việc quản lý dự án?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng: “Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện”.
Theo đó, trong trường hợp không đủ điều kiện, việc chủ đầu tư thuê cá nhân có đủ điều kiện năng lực để tham gia quản lý dự án là phù hợp. Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định.
Việc thành lập ban quản lý dự án được thể hiện thông qua quyết định thành lập ban quản lý dự án.
Giai đoạn hiện nay, hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.