Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Trần Thị Phương Thủy (TPHCM) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn trường hợp như sau:
Công ty A là công ty TNHH một thành viên do cá nhân B góp vốn, đăng ký kinh doanh tại TPHCM. Năm 2017, một công ty Hoa Kỳ mua lại toàn bộ vốn góp của cá nhân B và trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty A. Giá chuyển nhượng bằng với vốn điều lệ của công ty A (số vốn cá nhân B đã góp vào).
Từ 2017 đến nay, công ty của Hoa Kỳ chưa chuyển vốn vào công ty A được cũng như cá nhân B chưa rút được vốn ra khỏi công ty A.
Năm 2021, công ty của Hoa Kỳ muốn tiến hành các thủ tục để chuyển vốn vào công ty A nhưng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại ngân hàng đã bị ngân hàng tạm khóa.
Theo ý kiến của ngân hàng, do đã quá thời hạn để thực hiện việc chuyển nhượng vốn vào công ty A nên công ty A phải gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước để xin phép mở lại tài khoản này.
Bà Thủy hỏi, công ty A cần chuẩn bị hồ sơ và liên hệ đến đơn vị nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Quy định về quản lý ngoại hối
Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam quy định:
“Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:
... b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;...”.
Điều 5 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép như sau: Thực hiện mở, đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo đề nghị của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Điều 10 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa người cư trú và người không cư trú phải thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Về mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của người cư trú, người không cư trú tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014; Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/02/2019 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-NHNN). Các văn bản này đã quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, mở, sử dụng tài khoản thanh toán (trong đó bao gồm tài khoản vốn đầu tư).
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú mua lại 100% phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ thuộc đối tượng là “Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN.
Do đó, đề nghị công dân, tổ chức tín dụng được phép và doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN và các quy định khác có liên quan của pháp luật.