Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2002, ông Khoa tốt nghiệp trung cấp kế toán và đi làm tại một công ty Nhà nước hoạt động công ích, hưởng lương bậc 1/12, hệ số 1,46 Bảng lương viên chức chuyên môn thừa hành phục vụ ở doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp.
Năm 2004, ông được chuyển xếp lương bậc 2/12, hệ số 1,99 Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước. Đến năm 2014, ông được nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 6/12.
Tháng 8/2014, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế tài chính, ông Khoa được chuyển sang hưởng lương bậc đại học 3/8; hệ số 2,96 (theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước) với chức danh chuyên viên thống kê Hạt Quản lý đường bộ thuộc công ty quản lý đường bộ (là công ty Nhà nước).
Tháng 8/2015, ông Khoa trúng tuyển kỳ thi công chức vào vị trí tài chính - kế toán của UBND xã và chuyển công tác sang làm kế toán UBND xã.
Ông Khoa hỏi, nếu được chuyển công tác sang công chức cấp xã thì ông có được chuyển hưởng lương bậc 3 sang chức vụ công tác mới không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Xếp lương công chức xã khi đã có thời gian đóng BHXH
Việc xếp lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, trường hợp người được tuyển dụng vào công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này, đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp BHXH một lần, được bố trí chức danh theo đúng chuyên ngành đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng (trừ thời gian tập sự, thử việc theo quy định), thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nếu đứt quãng thì được cộng dồn.
Việc xếp lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ.
Theo đó, các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP được xếp lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ. Việc xếp lương đối với từng trường hợp được thực hiện như sau:
Căn cứ thời gian đóng BHXH bắt buộc (trừ thời gian tập sự, thử việc theo quy định) tương ứng với trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của từng trường hợp để thực hiện xếp vào bậc lương trong ngạch công chức hành chính quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT theo nguyên tắc, cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) nếu có đóng BHXH bắt buộc theo trình độ đào tạo đại học trở lên thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch chuyên viên (mã số 01.003), nếu có đóng BHXH bắt buộc theo trình độ đào tạo cao đẳng thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch chuyên viên cao đẳng (mã số 01a.003); cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) nếu có đóng BHXH bắt buộc theo trình độ đào tạo dưới cao đẳng thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch có trình độ đào tạo tương ứng.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong ngạch công chức hành chính đối với công chức cấp xã theo nguyên tắc nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên cao đẳng hoặc chưa đủ 24 tháng đối với ngạch yêu cầu trình độ đào tạo dưới cao đẳng thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau trong ngạch công chức hành chính được xếp.
Trường hợp được tính xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức hành chính mà vẫn còn thừa thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc thì thời gian công tác còn thừa này được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên cao đẳng và sau 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch yêu cầu trình độ đào tạo dưới cao đẳng được tính hưởng 5%, cứ mỗi năm tiếp theo (đủ 12 tháng) được tính hưởng thêm 1%.
Khi thực hiện xếp lương và tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, theo nguyên tắc nêu trên, nếu trong thời gian công tác của người được xếp lương có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 6 tháng; nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức thì cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 12 tháng; nếu có năm vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.
Sau khi xếp lương theo quy định trên, nếu có hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) được xếp theo ngạch công chức hành chính thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức cấp xã thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương đã hưởng.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này giảm tương ứng khi công chức cấp xã được nâng bậc lương, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch công chức hành chính được xếp hoặc khi được xếp lương vào ngạch công chức hành chính cao hơn.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải đề xuất việc xếp lương cụ thể đối với từng trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã và có văn bản (kèm theo bản sao sổ BHXH được cơ quan có thẩm quyền xác nhận của từng trường hợp) đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh thống nhất ý kiến trước khi quyết định.
Trường hợp được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu khi chuyển xếp lương
Căn cứ thông tin ông Nông Huy Khoa phản ánh thì ông Khoa không thuộc đối tượng áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV, vì vậy không được chuyển xếp từ hệ số lương đang hưởng (2,97) vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức được bổ nhiệm (bậc 3/9 hệ số 3,0 Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, hướng dẫn tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, tính đến thời điểm tuyển dụng vào công chức cấp xã (tháng 8/2015), ông Khoa có thời gian hưởng lương, đóng BHXH theo trình độ đại học đủ 12 tháng, chưa đủ 36 tháng để xếp vào bậc 2, vì vậy ông được xếp lương bậc 1/9, hệ số 2,34 ngạch chuyên viên (mã số 01.003), theo thang lương A1, Bảng lương số 2, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Nếu ông Khoa đủ điều kiện miễn thời gian tập sự, thì thời gian 12 tháng đã hưởng lương, đóng BHXH theo trình độ đại học trước khi được tuyển dụng vào công chức xã được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau trong ngạch công chức hành chính được xếp.
Do hệ số lương ông Khoa được xếp 2,34 thấp hơn so với hệ số lương 2,97 đã hưởng tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức cấp xã, nên ông được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,63 cho bằng hệ số lương đã hưởng 2,97. Hệ số chênh lệch bảo lưu này giảm tương ứng khi ông Khoa được nâng bậc lương.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội