Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tự mình rèn luyện, tu dưỡng, lao động, học tập tại cộng đồng, với sự giúp đỡ tích cực của xã hội, cơ quan, đơn vị và gia đình. Nếu người bị kết án phạm tội mới trong thời gian thử thách thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.
Tại Khoản 3, Điều 78 và Khoản 3, Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Hiện nay, chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ (tình trạng còn hiệu lực). Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Thông tư này quy định, thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm: Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này. Nhưng không có quy định cụ thể đối với trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị phạt tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, trước đó, tại Điểm 6.1, Mục 6, Phần II Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 11/3/2006 của Bộ Nội vụ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (tình trạng còn hiệu lực) quy định:
Cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị phạt tù cho hưởng án treo, sau khi bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp kỷ luật buộc thôi việc) được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ, chính sách theo công việc được giao. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị không bắt buộc cán bộ, công chức đó phải tự liên hệ chuyển công tác và không giải quyết cho thôi việc nếu người đó không có đơn xin thôi việc.
Trường hợp cán bộ, công chức đang trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, nếu chuyển đi nơi khác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm thông báo ngay cho Toà án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được hưởng án treo chuyển đến để tiếp tục giám sát, giáo dục.
Cán bộ, công chức trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (kể cả thời gian thử thách) thì không thực hiện xem xét nâng ngạch, nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm.
Cán bộ, công chức bị Toà án phạt tù cho hưởng án treo thì thời gian thử thách được tính vào thời gian công tác nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương.
Cụ thể trường hợp bà Phạm Thị Thu Sương phản ánh, cơ quan nơi bà công tác, có một công chức bị Tòa án phạt tù 36 tháng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, tính từ tháng 12/2015. Khi bị kết án, công chức đó đang hưởng lương bậc 2 hệ số 2,67, từ ngày 1/1/2013.
Theo quy định tại Điểm 6.1.2 và 6.1.3 Mục 6, Phần II Thông tư số 03/2006/TT-BNV nêu trên thì, công chức mà bà Sương phản ánh đang trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (kể cả thời gian thử thách) thì cơ quan không thực hiện xem xét nâng ngạch, nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm; thời gian thử thách được tính vào thời gian công tác nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương.
Trường hợp công chức này đang hưởng lương bậc 2/9 ngạch chuyên viên từ ngày 1/1/2013, đến tháng 12/2015 đã giữ bậc 2/9 được 23 tháng. Theo quy định về thời hạn nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ công chức, thì đến tháng 12/2015 công chức này còn thiếu 13 tháng sẽ đủ thời hạn 36 tháng xét nâng bậc 3/9.
Nhưng đến tháng 12/2015 công chức này bị kết án 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm (60 tháng). Vì vậy, thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 12/2020 (5 năm thử thách) không được tính vào thời gian xét nâng lương.
Khi hết thời gian thử thách (tháng 12/2020) công chức này tiếp tục được tính thời gian xét nâng bậc, cộng với 13 tháng còn thiếu, đến tháng 1/2021, công chức này đủ thời gian được xét nâng lên bậc 3/9 ngạch chuyên viên.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội