Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác có đủ năng lực |
Mẹ của bà Hà Tuyền (TPHCM) có thẻ BHYT tại tuyến huyện thuộc tỉnh Bình Định, bị bệnh tim nặng, đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tim TPHCM theo diện không có thẻ BHYT vì không có giấy chuyển viện.
Bà Tuyền hỏi, bà đang sinh sống tại TPHCM, nếu bà muốn làm thẻ BHYT cho mẹ bà tại TPHCM thì có được không? Mua BHYT tại Bệnh viện tuyến nào của TPHCM để mẹ của bà được khám chữa bệnh tại Viện Tim và được hưởng BHYT?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHYT, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Bệnh viện Tim TPHCM là Bệnh viện chuyên khoa hạng 1 tuyến tỉnh nên không nhận thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.
Để đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại TPHCM vào tháng đầu của quý, đề nghị mẹ của bà mang thẻ BHYT đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ BHYT (tại Bình Định) để được hướng dẫn thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương trên địa bàn TPHCM.
Trường hợp mẹ của bà có đăng ký tạm trú tại TPHCM thì được khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ghi trên thẻ BHYT mà không cần thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về TPHCM.
Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác có đủ năng lực để khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chinhphu.vn