Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi bà Thảo nộp hồ sơ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ra thông báo từ chối giải quyết hồ sơ với lý do, hiện nay thửa đất của bà có 521 m2 nằm trong lộ giới theo quy hoạch, phần diện tích này không được phép chuyển mục đích và không bảo đảm diện tích tối thiểu của thửa đất trồng lúa còn lại sau khi tách thửa (căn cứ điểm b khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai năm 2024).
Như vậy, cho dù phần diện tích 4.387 m2 của bà Thảo đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây lâu năm mà phần diện tích 521 m2 nằm trong quy hoạch không đủ diện tích tách thửa thì bà vẫn không thể chuyển mục đích sử dụng đất.
Bà Thảo hỏi, trong trường hợp của bà, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ điểm b khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai năm 2024 để từ chối hồ sơ có hợp lý không? Tại sao không áp dụng tiêu chí diện tích tối thiểu riêng đối với phần diện tích có thể thực hiện chuyển mục đích mà lại áp dụng tiêu chí diện tích tối thiểu đối với cả phần diện tích còn lại không thể thực hiện chuyển mục đích dẫn đến hồ sơ của bà không thể thực hiện?
Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Tại khoản 4 Điều 220 Luật Đất đai quy định:
"Điều 220. Tách thửa đất, hợp thửa đất
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất".
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cung cấp thông tin để bà được biết, nghiên cứu, tìm hiểu quy định cụ thể của địa phương về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất và liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương được xem xét, hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bà không đồng ý với kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì bà có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai theo quy định tại Điều 237 Luật Đất đai.
Chinhphu.vn