• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nhân lực du lịch

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam Hà Nội 2025, Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay”.

12/04/2025 20:01
Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nhân lực du lịch- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Thư

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA) cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến ngoạn mục trong giai đoạn hậu COVID-19. Chỉ riêng tháng 3 năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhân lực du lịch chất lượng cao thiếu nhiều

"Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy ngành du lịch đang bước vào một giai đoạn bứt phá. Sự phục hồi ấy đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cũng như nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch", ông Đào Mạnh Hùng nhận định.

GS.TS Đào Mạnh Hùng cho biết thêm, hiện cả nước có khoảng 195 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và trung tâm đào tạo nghề…. Mỗi năm, ngành du lịch cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ đảm bảo được khoảng 20.000.

Trong số này, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3% và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.

"Tuyển dụng nhân lực du lịch, đầu vào của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào "đầu ra" của các cơ sở đào tạo. Muốn có nhân lực đạt chất lượng cao, chuẩn quốc tế, yêu cầu tiên quyết là cần có đội ngũ lao động được đào tạo bài bản, đạt các cấp bậc trình độ chuẩn quốc tế và đủ khả năng làm việc ở cả môi trường doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đào tạo du lịch là đào tạo nghề, mà chất lượng của nghề nghiệp chỉ có thể đạt được khi người lao động có kỹ năng nghề cao. Để có kỹ năng lao động cao thì việc thực hành trong đào tạo là yếu tố quan trọng và quyết định.", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan, khi ngành du lịch "đóng băng" trong đại dịch COVID-19, nhiều lao động chất lượng cao buộc phải rẽ sang lĩnh vực khác và không quay trở lại sau khi thị trường hồi phục, nhưng lao động phổ thông thì vẫn dồi dào. Đây là lý do các khách sạn 4 -5 sao hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng và vận hành, đặc biệt là khi triển khai các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản trị.

 Có khoảng cách rõ rệt giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn

Từ thực tiễn này, bà Xoan nhấn mạnh vai trò của công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch - khách sạn đồng thời mong muốn các cơ sở đào tạo tại Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối với doanh nghiệp, đưa sinh viên đi thực tập và làm việc thực tế nhiều hơn để khi sinh viên tốt nghiệp có đủ bản lĩnh và kỹ năng để gia nhập thị trường lao động một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, bà Xoan cũng lưu ý ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, hệ thống khách sạn là đơn vị sử dụng nhân lực lớn nhất của ngành du lịch, chiếm đến 65% tổng doanh thu toàn ngành.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA) Trịnh Cao Khải cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường hiện nay đang được xây dựng theo hướng tích hợp, gồm 3 phần cơ bản: kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.

Trong đó, kỹ năng được xác định là trọng tâm, xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, có một khoảng cách rõ rệt giữa chương trình đào tạo của nhà trường và yêu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp.

Do đó, ông Khải đề xuất cần liên kết nội ngành giữa các trường đào tạo du lịch trên cả nước để chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo. Đồng thời, đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài để họ rèn luyện năng lực hội nhập, phát triển thành những "công dân du lịch" toàn cầu.

Phát biểu kết luận, GS.TS Đào Mạnh Hùng cho rằng nên có các chương trình liên kết giữa trường với trường, giữa trường với doanh nghiệp. Bởi vì mục tiêu cao nhất của những giảng viên là chất lượng đầu ra của sinh viên để làm thế nào các sinh viên ra trường có nghề và giỏi nghề. Đó là khó khăn và chắc chắn chúng ta phải tìm ra giải pháp và ông Hùng nghĩ rằng du lịch cần 3 thứ quan trọng: kĩ năng nghề, thái độ phục vụ và ngoại ngữ.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở đào tạo về du lịch, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong đào tạo thực hành du lịch, cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường yếu tố thực hành trong đào tạo du lịch như: đẩy mạnh liên kết giữa trường với trường, giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng AI trong đào tạo thực hành du lịch; đào tạo theo chuẩn đầu ra quốc tế; có chương trình liên kết để học viên có thể đi học, thực tập tại nước ngoài…

Minh Thư