Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 1992, gia đình ông Hoàng Tuấn Anh (Quảng Ninh) mua một ngôi nhà cấp 4. Suốt trong quá trình sử dụng hơn 30 năm không hề có tranh chấp.
Năm 1996, gia đình ông Tuấn Anh đã xây dựng lại ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà cấp 4 cũ, tuy nhiên không được cấp đất hết vì 1 phần nhỏ đất góc nằm trên hành lang an toàn đường sắt và đường bộ chưa được quy hoạch.
Đến năm 2019 mới quy hoạch đường hoàn chỉnh và gia đình ông mới đi xin cấp nốt phần đất còn lại. Tuy nhiên, gia đình ông nhận được yêu cầu từ bỏ một phần quyền sử dụng đất do có sự chồng lấn với thửa đất nhà kế bên.
Ông Tuấn Anh hỏi, việc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu người dân phải từ bỏ một phần đất đang được sử dụng, đóng thuế, có đầy đủ giấy tờ chứng minh có đúng luật hay không? Những trường hợp nào cơ quan công quyền được phép yêu cầu người dân từ bỏ quyền sử dụng đất?
Trong trường hợp nhà ông từ bỏ quyền sử dụng phần đất này, ai có trách nhiệm đền bù, trả lại giá trị mảnh đất, tiền thuế đất đóng trong vòng hơn 30 năm qua cùng nhiều chi phí khác?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Nội dung câu hỏi của ông Hoàng Tuấn Anh không rõ về nội dung, không rõ về tình tiết và là vụ việc cụ thể cần phải nghiên cứu đầy đủ hồ sơ, tài liệu, vì vậy, không có cơ sở để trả lời cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời về nguyên tắc như sau:
Pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định yêu cầu người sử dụng đất phải từ bỏ quyền sử dụng đất.
Nhà nước chỉ thực hiện việc thu hồi đất của người đang sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại Điều 61, 62, 64 và Điều 65 của Luật Đất đai.
Theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai, trường hợp ông không đồng ý với nội dung giải quyết của Văn phòng đăng ký đất đai thì ông có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của Văn phòng đăng ký đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đến ông được biết để nghiên cứu, thực hiện.
Chinhphu.vn