Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở.
Dự thảo nêu rõ, đối với cấp trung học cơ sở, thực hiện lồng ghép thông qua các bài học trong các môn học Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, Khoa học Tự nhiên, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương theo các chủ đề sau:
Chủ đề chung lồng ghép trong cả cấp học (từ lớp 6 đến lớp 9): Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của các thế hệ người Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; quyền lợi và trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ đề lồng ghép theo từng khối lớp:
Khối lớp 6: Giới thiệu truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ; các địa danh gắn liền với các cuộc kháng chiến chống xâm lược; bản đồ hành chính và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; các chủ đề về an toàn khi tham gia giao thông.
Khối lớp 7: Khẳng định về độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với các thế lực xâm lược; giáo dục về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật; trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Khối lớp 8: Lòng tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm; giới thiệu các mốc chủ quyền trên đất liền và trên biển; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên; lồng ghép một số nội dung của hiến pháp (chú ý lựa chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh).
Khối lớp 9: Phổ biến mức độ tàn phá của chiến tranh qua các thời kỳ; các hình ảnh khó khăn, vất vả trong chiến tranh và sự đóng góp của nhân dân về mọi mặt góp phần thành công trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược; các dẫn chứng về thời điểm sau hòa bình để phát triển kinh tế đất nước thì cần gắn liền với quốc phòng an ninh.
Về phương pháp, hình thức lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh, dự thảo đề xuất, trên cơ sở mục tiêu và nội dung bài học, kinh nghiệm, điều kiện thực tế, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh một cách truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, tự nhiên, hợp lí, hình thành những năng lực, phẩm chất cốt lõi, phát huy tính sáng tạo và phù hợp với đặc điểm, trình độ, tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh; tránh tản mạn, ảnh hưởng đến nội dung các bài học; chú trọng kết hợp hình ảnh minh hoạ phù hợp, các hiện vật mang tính giáo dục đúng với mục tiêu, nội dung bài học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và thực hành.
Lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông thông qua: dạy học các bài học, chủ đề dạy học; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức trại hè, đọc sách, nghe, thi kể truyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.
Yêu cầu cần đạt đối với học sinh trung học cơ sở là có hiểu biết chung về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ); vai trò quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; một số nội dung cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thành ý thức quốc phòng, an ninh đúng đắn, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hình thành nếp sống tập thể cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương