Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nâng chất lượng tín dụng chính sách
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình giảm nghèo, các chương trình TDCS xã hội được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành điểm sáng bảo đảm an sinh xã hội của TP. Bạc Liêu trong nhiều năm qua. Nguồn vốn lớn, cùng hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khóm, ấp và mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phủ khắp địa bàn tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn ưu đãi, vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu, với cơ chế, thủ tục cho vay thuận lợi, hộ vay không phải thế chấp tài sản, vốn vay được giải ngân tại điểm giao dịch xã, nơi gần kề với người nghèo và các đối tượng chính sách, mức cho vay phù hợp giúp khởi tạo sản xuất-kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định thu nhập tiến tới thoát nghèo.
Chỉ tính trong 9 tháng của năm 2024, doanh số cho vay đạt hơn 38 tỷ đồng, với 1.259 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm gần 30 tỷ đồng, với gần 900 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo là 2 tỷ đồng với 49 lượt khách hàng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 5,5 tỷ đồng, với 298 lượt khách hàng vay vốn… Các chương trình tín dụng trên đã không ngừng phát huy hiệu quả đầu tư và góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững.
Với mục tiêu là cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của thành phố, thời gian tới TP. Bạc Liêu sẽ duy trì và triển khai đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS.
Đồng thời thực hiện tốt phương thức quản lý vốn TDCS xã hội đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại xã, thực hiện công khai về các thông tin, chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động TDCS tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình TDCS.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động TDCS, quan tâm công tác huy động nguồn lực cho TDCS xã hội trên địa bàn thành phố.
Xây dựng phương án, đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024-2025, bảo đảm vốn TDCS được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Lồng ghép hiệu quả hoạt động TDCS với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với các nguồn lực tập trung đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới như: Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn…, nguồn vốn TDCS cũng góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, giúp địa phương tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.
Có thể thấy, vốn TDCS đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo của TP. Bạc Liêu, trở thành một trong những điểm tựa vững chắc để người dân cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định.
Hơn 3.500 lượt hộ tại Tân Biên, Tây Ninh thoát nghèo bền vững
Theo lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đơn vị luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao.
Trong giai đoạn 2014 đến tháng 4.2024, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương đã giúp cho hơn 29.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay với số tiền gần 734 tỷ đồng, tăng 111,5%, tăng hơn 5.000 hộ so với giai đoạn trước năm 2014.
Trong đó, giúp cho hơn 3.500 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ cho gần 425 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; hơn 2.427 lao động có việc làm; hỗ trợ cho vay xây dựng hơn 231 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm giúp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội để ở đảm bảo an cư lập nghiệp; xây dựng hơn 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn…
Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2011-2015 giảm từ 4,27% xuống 2,08%, giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 2,08% cuối năm 2015 xuống 0% vào cuối năm 2020 và đến hết năm 2023 toàn huyện còn 13 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,04%.
Riêng trong năm 2024, tính đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn đạt hơn 486 tỷ đồng với hơn 3.300 khách hàng vay vốn, doanh số cho vay trên 111 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 73 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 488 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch, với hơn 14.000 hộ đang còn dư nợ.
Trong 9 tháng năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 3.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Tân Biên, Tây Ninh được vay vốn. Với 304 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các ấp, khu phố đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; 152 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 2.100 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ 9 người chấp hành xong án phạt tù có vốn sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ngân hàng còn có các chương trình cho vay đặc biệt như hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với lãi suất chỉ 3,3%/năm cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi, ví dụ như 6,6%/năm cho hộ nghèo và 7,92%/năm cho hộ cận nghèo. Đối với các hộ mới thoát nghèo, lãi suất cho vay là 8,25%/năm.
Các chương trình tín dụng được thiết kế không chỉ nhằm mục tiêu giảm nghèo mà còn hướng đến việc phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh cho người vay.
BT