Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) tại Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 23/9, tại Hà Nội.
Tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn khẳng định, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ để triển khai, hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế trên hoạt động TMĐT.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử…
"Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã và đang không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế", bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
"Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử", Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh nêu quan điểm.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý hoạt động TMĐT. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VneID của Bộ Công an, việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng Cục thuế quản lý TMĐT mà còn là điều kiện để quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội. Đây là những nỗ lực chung của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động kinh tế số, góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng toàn diện nền kinh tế số.
Lĩnh vực TMĐT phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua và thời gian tới lĩnh vực này tiếp tục phát triển nhanh và đem lại lợ ích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên việc quản lý nó cũng là một vấn đề chứa đựng nhiều khó khăn, phức tạp.
Về phía các cơ quan chức năng, đã có sự thay đổi cũng như đã có sự tích hợp, kết hợp với nhau, tuy nhiên việc này phải làm dần dần để hoàn thiện, bởi bản chất vấn đề là làm sao chúng ta phải xây dựng được cơ sở dữ liệu và sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành một cách tốt nhất.
Việc xuất hoá đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.
Quản lý TMĐT là quản lý số, chúng ta phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT, lúc đó mới đem lại hiệu quả.
Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực TMĐT sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.
Là đại diện đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số khá đa dạng cho người dùng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dùng bao gồm, thanh toán trực tuyến trên các website điện tử, thanh toán qua thiết bị POS, thanh toán QR, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam cho rằng, việc phát triển của thanh toán điện tử luôn đi song hành với phát triển TMĐT. Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân hiện nay có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ.
"Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng", Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam lập luận.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn rất cần thiết. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đó là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi nghiệp vụ chi tiết.
Là một đơn vị làm về công nghệ, VNPAY cho rằng, có thể chia công việc thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một doanh nghiệp. Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan... Từ đó, có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin.
Nền kinh tế đang dịch chuyển từ những sản phẩm giá trị lớn sang những sản phẩm giá trị nhỏ, hoặc từ ngành hàng FMCG (ngành cung cấp toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) sang một ngành hàng khác. Từ đó có những thông tin, những chia sẻ, những định hướng ngược lại cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong quản quản lý thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử là cải cách rất lớn của ngành thuế, đây là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu được về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế và nộp thuế.
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT, tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu hàng loạt giải pháp, kiến nghị, trong đó nhấn mạnh: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam.
Cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT...
Các đại biểu cũng cho rằng: Đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hoá đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.
"Quản lý TMĐT là quản lý số. Vì vậy, phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT, nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt nhất, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí tuân thủ cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người nộp thuế kinh doanh TMĐT", các đại biểu bày tỏ quan điểm.
Anh Minh