Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Có hai nhà thầu tham dự thầu:
- Nhà thầu thứ nhất: Bảo đảm dự thầu được ký ngày 14/8/2019 cấp cho liên danh nhưng thỏa thuận liên danh được ký ngày 16/8/2019.
Bà Sâm hỏi, trường hợp này đánh giá bảo đảm dự thầu không hợp lệ có đúng không? Có cần làm rõ E-HSDT hay cho phép nhà thầu chính sửa không?
- Nhà thầu thứ hai: Đánh giá tiêu chí kỹ thuật không đáp ứng E-HSMT và trong quá trình đánh giá tài chính phát hiện nhà thầu kê khai không trung thực so với một gói thầu khác đã thực hiện tham dự thầu trước đó.
Vậy, trường hợp nhà thầu thứ hai phải xử lý như thế nào? Trong trường hợp này bên mời thầu tuyên bố hủy thầu có hợp lệ không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong các điều kiện đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu là có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Theo hướng dẫn tại Mục 18.1 Chương I của Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (Mẫu số 01) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp liên danh thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách sau:
- Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 18.2 CDNT; nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì hồ sơ dự thầu của liên danh đó sẽ không được xem xét, đánh giá tiếp. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 18.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả;
- Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên liên danh đó và cho thành viên khác trong liên danh. Trong trường hợp này, bảo đảm dự thầu có thể bao gồm tên của liên danh hoặc tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho cả liên danh nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 18.2 CDNT. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 18.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả.
Theo đó, việc đánh giá bảo đảm dự thầu đối với nhà thầu liên danh được thực hiện theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, trường hợp nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu thì bị coi là có hành vi bị cấm nêu tại Điểm c, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu và bị xử lý theo Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Chinhphu.vn