Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Diện đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải áp dụng chế độ làm việc như vậy có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trả lời ông Diện như sau:
Quy định giờ làm việc
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời giờ làm việc đối với lao động bình thường là không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong một ngày, nhưng không quá 48 giờ trong một tuần.
Điều 117 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định đối với công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính chất thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ thì các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các chức danh Trực ban ga, Gác ghi, Trưởng dồn, móc nối là một số trong nhiều chức danh làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Vì vậy thời giờ làm việc sẽ được thực hiện theo Điều 117 của Bộ luật Lao động năm 2012 và Thông tư quy định cụ thể của Bộ Giao thông vận tải.
Thi hành Điều 80 của Bộ luật Lao động trước đây và sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT ngày 7/2/1998 quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người làm công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.
Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Thông tư quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt để thay thế Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT. Trong thời gian này thì Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT vẫn còn hiệu lực về cơ bản vẫn còn phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012.
Trên cơ sở những quy định tại Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT, căn cứ vào tính chất liên tục hoặc không liên tục và nhiệm vụ khối lượng nhiều hay ít của công việc, Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải (được thành lập từ 1/1/2015) đã ban hành Thông báo số 572/TB-CNHTH ngày 4/2/2015 về chế độ ban và cách tính điểm với các ga như ông Diện đã phản ánh.
Việc quy định chế độ ban và cách tính điểm của Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải chưa quy định chế độ ban, số ban làm việc tối đa trong 1 tháng và quy đổi ra công chuẩn như đối với lao động bình thường là 26 công và tương ứng với tổng điểm là 260 điểm.
Ví dụ:
- Trực ban ga: làm việc chế độ 2,5 ban - lên ban 12 giờ, xuống ban ít nhất 12 giờ xen kẽ với xuống ban ít nhất 24 giờ, số ban làm việc 12 giờ trong 1 tháng tối đa là 21 ban tương đương với 26 công chế độ của lao động bình thường.
- Gác ghi: làm việc chế độ 2 ban - lên ban 12 giờ, xuống ban ít nhất 12 giờ, số ban làm việc 12 giờ trong 1 tháng tối đa là 26 ban tương đương với 26 công chế độ của lao động bình thường hoặc lên ban 24 giờ, xuống ban ít nhất 24 giờ, số ban làm việc 24 giờ trong 1 tháng tối đa là 13 ban tương đương với 26 công chế độ của lao động bình thường.
- Trưởng dồn, móc nối: làm việc chế độ 1,5 ban - lên ban 16 giờ, xuống ban ít nhất 8 giờ, số ban làm việc 16 giờ trong 1 tháng tối đa là 26 ban tương đương với 26 công chế độ của lao động bình thường hoặc lên ban 24 giờ, xuống ban ít nhất 24 giờ, số ban làm việc 24 giờ trong 1 tháng tối đa là 13 ban tương đương với 26 công chế độ của lao động bình thường.
Về thời gian nghỉ ngơi
Theo Điều 110 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Điều 115 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động được nghỉ 6 ngày tết và 4 ngày lễ trong 1 năm.
Khi quy định về chế độ ban và cách tính điểm với các ga, Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải đã không nêu rõ cho người lao động biết được là số ban chế độ trong một tháng đã tính đến 4 ngày nghỉ hàng tuần (có kết hợp với nghỉ xuống ban), mặt khác khi người lao động lên ban làm việc vào những ngày nghỉ lễ tết cần phải giải thích rõ là có được bố trí nghỉ bù không, cách trả lương ra sao, nên người lao động có ý kiến thắc mắc.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị cần tiếp tục giải thích, hướng dẫn cụ thể để người lao động hiểu và yên tâm làm việc.
Chinhphu.vn