Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Quang (Hà Giang) công tác tại đơn vị sự nghiệp, trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp, ông gặp trường hợp như sau:
Ông đã thực hiện xong 1 gói thầu (gói thầu A) theo hình thức đấu thầu rộng rãi, gói thầu này có nhiều mặt hàng (giả sử X, Y, Z). Tổng giá gói thầu là 1 tỷ đồng.
Nay ông thực hiện 1 gói thầu mới (gói thầu B), giá gói thầu là 500 triệu đồng, đơn giá từng mặt hàng không thay đổi, có chủng loại mặt hàng tương tự gói thầu A, nhưng về số lượng từng loại mặt hàng trong gói thầu (giả sử là X', Y', Z') lại có trường hợp về số lượng X' > 130% X.
Ông Quang hỏi, vậy gói thầu B ông áp dụng theo hình thức mua sắm trực tiếp có đúng hay không?
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 24 Luật Đấu thầu quy định 1 trong những điều kiện để áp dụng mua sắm trực tiếp: “b) Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó".
Khoản 24, Điều 4 Luật Đấu thầu giải thích từ ngữ: "24. Gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức do Chính phủ quy định".
Tại Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về Luật Đấu thầu:
"Điều 63. Hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ
Gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng".
Vậy, quy mô gói thầu 130% ở đây chỉ đề cập đến giá trị của gói thầu là đúng hay sai? Hay quy định cả với số lượng hàng hóa trong gói thầu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điều 24 Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.
Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;
- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng; trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
Điểm a, Khoản 1, Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó.
Đối với trường hợp của ông Quang, việc mua sắm trực tiếp phải tuân thủ theo quy định nêu trên.