Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời bà Đào Thị Vinh như sau:
Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định giá trị pháp lý của Giấy khai sinh, như sau:
- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân;
- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
- Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Theo Khoản 2, Điều 7 của Nghị định này, cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tich được hướng dẫn bởi Mục 4 Chương II Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp.
Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP hướng dẫn việc cải chính hộ tịch như sau:
- Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác;
- Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Trường hợp bà Đào Thị Vinh muốn sửa tên cho con trên Giấy khai sinh sang tên khác chỉ được cơ quan đăng ký hộ tịch chấp nhận thực hiện khi có căn cứ xác định là sai sót của người đi đăng ký khai sinh hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người đi đăng ký có thể yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho UBND nơi đã đăng ký khai sinh, để ghi vào Sổ khai sinh nội dung thay đổi, cải chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về viêc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.
Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.
Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.
Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.
Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.
Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Nếu không có sai sót khi đăng ký khai sinh, không thuộc trường hợp cải chính tên, nhưng việc sử dụng tên đã đăng ký khai sinh gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó, thì cá nhân, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự.
Về thẩm quyền, theo quy định tại Điều 27 và Điều 46 Luật Hộ tịch, UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên cho người chưa đủ 14 tuổi; UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước. Về thủ tục, thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.