Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức - Ảnh: VGP/HT
Đó là nội dung được trao đổi tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, vấn đề được thảo luận sôi nổi là việc có nên tiếp tục trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các ngân hàng và tổ chức mua bán nợ hay không. Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn. Do đó, việc có cơ chế pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, nguyên Chủ tịch VAMC phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, nguyên Chủ tịch VAMC, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền mà là quyền đương nhiên của bên cho vay trong quan hệ tín dụng. Ông nhấn mạnh, nếu không xử lý được nợ xấu thì hệ thống tín dụng sẽ bị ách tắc, doanh nghiệp không vay được vốn, và nền kinh tế sẽ bị đình trệ. "Việc luật hóa quyền thu giữ là thực hành theo thông lệ quốc tế, không phải là hành động cực đoan", ông Hùng nêu rõ.
Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, có ít nhất 4 lý do để luật hóa quyền thu giữ: một là nợ xấu là tất yếu trong hoạt động tín dụng, kể cả nguyên nhân khách quan như thiên tai, khủng hoảng; hai là nếu không thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ không cho vay mới – gây tắc nghẽn dòng vốn; ba là thu giữ tài sản đảm bảo là thông lệ quốc tế; bốn là luật hóa quy định này sẽ nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu- Ảnh: VGP/HT
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế, đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng không thể tự ý thu giữ tài sản nếu không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Việc thu giữ luôn được thực hiện một cách thận trọng bởi nếu có sai sót, ngân hàng có thể bị kiện ngược, gây thiệt hại lớn về uy tín và tài chính.
Theo đánh giá từ các chuyên gia pháp lý, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các TCTD đã không còn cơ chế chủ động thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ. Trong khi đó, Luật các TCTD 2024 hiện hành và các luật liên quan chưa kế thừa nội dung quan trọng này. Việc thiếu vắng quy định cụ thể không chỉ làm kéo dài quá trình xử lý nợ mà còn ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Đại diện Vụ Pháp chế NHNN phân tích: Ngân hàng đang gánh trách nhiệm rất lớn vì huy động vốn của người dân, nên phải có công cụ pháp lý phù hợp để xử lý nợ khi cần thiết.
"Hơn ai hết, ngân hàng phải tuân thủ quy định pháp luật một cách nghiêm ngặt, nhưng nếu không có cơ chế cụ thể thì rất khó để thực thi", đại diện NHNN nói.
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cần luật hóa nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Luật như:
Thứ nhất, xử lý tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ án hình sự hoặc vi phạm hành chính. Nhiều trường hợp tài sản bị giữ, nhưng không có quy định giao lại cho TCTD để xử lý, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi nợ.
Thứ hai, quyền xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Luật Khoáng sản và Luật TCTD. Điều này gây khó khăn trong việc thực thi giao dịch bảo đảm đối với tài sản đặc thù.
Thứ ba, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm tại Tòa án vẫn còn hạn chế. Đại diện BIDV cho biết, đến nay chưa có vụ nào được áp dụng thủ tục rút gọn do khách hàng không hợp tác, hoặc cố tình gây khó dễ về xác nhận công nợ.
Thứ tư, quy định về tổ chức mua bán nợ hiện nay mới chỉ cho phép VAMC và DATC vốn là hai đơn vị 100% vốn Nhà nước, có quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Điều này khiến thị trường mua bán nợ kém phát triển, hạn chế khả năng huy động nguồn lực xã hội.
Thứ năm, vướng mắc trong chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chưa có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp TCTD là bên chuyển nhượng, cần có quy định thống nhất để bảo vệ quyền lợi ngân hàng.
Thứ sáu, hướng dẫn thi hành án còn chưa thống nhất. Một số cơ quan thi hành án yêu cầu phân chia cụ thể từng tài sản cho từng nghĩa vụ, trong khi nhiều tài sản đảm bảo dùng để bảo đảm toàn bộ khoản vay, gây cản trở quá trình xử lý.
Không chỉ các tổ chức tín dụng, mà ngay cả đại diện các công ty Quản lý tài sản (AMC) cũng kiến nghị sửa đổi quy định. Đại diện HDBank nêu rõ, cần cho phép cả các công ty mua bán nợ thuộc khu vực tư nhân có đủ năng lực được cấp phép tham gia thu giữ tài sản.
"Việc này vừa thúc đẩy thị trường nợ xấu phát triển, vừa giúp khơi thông vốn cho nền kinh tế", đại diện AMC của HDBank nói.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, tổ chức tín dụng, chuyên gia pháp lý và giới doanh nghiệp về việc cần luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đây là công cụ quan trọng để xử lý nợ xấu hiệu quả, giảm chi phí tố tụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và bảo vệ an toàn cho toàn hệ thống tài chính.
Huy Thắng