Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay, chuyển đổi số gồm có 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. "Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong Chính phủ số, tuy nhiên mức độ phổ cập công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của Chính phủ, người dân. Vì vậy, hội thảo là nơi trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính quyền số tại các địa phương", ông Nguyễn Minh Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh từ năm 2018. Từ năm 2021, Thành phố đã triển khai Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện Thành phố đã cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong hoạt động công vụ và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị. Năm 2023 kinh tế số đóng góp 20,7% GRDP, có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình cả nước).
Đặc biệt, theo kiểm tra, đo lường và công bố của Bộ TT&TT vào tháng 8/2024, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình các tỉnh, thành là 55%); tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình các tỉnh, thành là 17%). "TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP", Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ cho biết, trong những năm qua, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Đây là giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cắt giảm chi phí liên quan đến thủ tục không cần thiết, hướng mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời Chính phủ cũng tập trung yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, qua đó triển khai đẩy mạnh chính phủ số, chính phủ điện tử, doanh nghiệp số.
Hiện cả nước đã cung cấp 4.527 dịch vụ công trực tuyến/6.409 TTHC. Trong đó 3.627 là dịch vụ công toàn trình. Thời gian qua người dân, doanh nghiệp đã làm thủ tục công trực tuyến lên tới 59%. Tuy nhiên qua khảo sát thì chất lượng một số dịch vụ công trực tuyến chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu cho người dân.
"Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng hiện nay, chúng tôi đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đó là đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, trên cơ sở liên kết khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, cùng với đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải được công khai, minh bạch, theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện dựa trên dữ liệu. Có như vậy, mới nâng cao được mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện.
Trong bộ chỉ số này có 5 tiêu chí: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; mức độ số hóa; dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng. Hiện tại đã đăng tải quá trình thực hiện trên trang dịch vụ công trực tuyến quốc gia, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập để theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện dịch vụ công của chính hồ sơ của mình", Phó Cục trưởng, Cục kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ thông tin.
Lưu Hương