Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 1/6/2014, ông nhận quyết định nghỉ chế độ hưu, khi giải quyết chế độ hưu trí, BHXH tỉnh Đồng Nai cho rằng, ông Trọng công tác tại trường ngoài công lập nên không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề và phải quy từ mức lương hệ số thành mức lương tiền đồng để ghi vào Sổ BHXH.
Ông Trọng hỏi, hiện có văn bản nào quy định người lao động khi hưởng mức lương theo hệ số thì phải chuyển qua mức lương tiền đồng để đóng BHXH không? BHXH tỉnh Đồng Nai không cộng phụ cấp thâm niên nghề để tính chế độ hưu trí cho ông có đúng quy định không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời ông Trọng như sau:
Theo quy định tại Tiết a, Điểm 2, Mục II Thông tư liên tịch số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/2000 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH đối với lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập thuộc các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao thì người lao động có thời gian làm việc và đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, khi chuyển đến làm việc tại các cơ sở ngoài công lập, nếu vẫn đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, khi giải quyết hưởng BHXH được thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại Điều 140 Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 thì những quy định trước đây trái với Luật BHXH bị bãi bỏ.
Đối chiếu với các quy định trên, từ tháng 7/2000 đến tháng 12/2006 ông Trọng vẫn đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định thì khi giải quyết hưởng BHXH được thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Thời gian từ tháng 1/2007 (thời điểm thi hành Luật BHXH) đến tháng 5/2014 ông Trọng làm việc tại trường THPT dân lập Hồng Bàng là đơn vị sự nghiệp ngoài công lập không thuộc đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2014/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, thì tiền lương làm căn cứ đóng, hưởng BHXH thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 94, Luật BHXH (chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định).
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, từ ngày 1/5/2011 nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập đủ 5 năm (60 tháng) trở lên được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Như vậy, thời gian ông Trọng làm hiệu trưởng trường THPT dân lập Hồng Bàng (không phải là cơ sở giáo dục công lập) thì không thuộc đối tượng áp dụng tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Trường hợp trường THPT dân lập Hồng Bàng vận dụng thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề để trả cho người lao động thì được chuyển đổi, ghi mức lương bằng tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ, giải quyết chế độ BHXH.
Chinhphu.vn