Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công ty CP Kết cấu Thép Toàn Thịnh (Long An) chuyên sản xuất kết cấu thép (gá lắp những thanh thép thành cấu kiện lớn đển làm nhà thép tiền chế). Công ty có một lao động trên 60 tuổi, tháng 1/2019 sẽ hết hạn hợp đồng, nhưng lao động mong muốn tiếp tục làm việc.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Công ty, bà Hoàng Ngọc Như Quỳnh hỏi, nếu Công ty của bà tiếp tục ký hợp đồng lao động thì cần thủ tục gì và có cần làm lại hợp đồng lao động với tính chất người cao tuổi không?
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật Lao động thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
Khoản 1, Điều 167 của Bộ luật Lao động quy định khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 47/2015/TT- BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì khi tiếp tục lao động sau độ tuổi quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động, người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động cao tuổi. Hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi phải bảo đảm các nội dung quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 166 và Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 167 của Bộ luật Lao động.
Căn cứ vào các quy định nêu trên và đối chiếu với nội dung hỏi của bà Hoàng Ngọc Như Quỳnh thì trường hợp người lao động tiếp tục lao động sau 60 tuổi đối với nam hoặc 55 tuổi đối với nữ thì Công ty thỏa thuận với người lao động để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Chinhphu.vn