Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Hải Thạch (TP. Hồ Chí Minh) vay 30 triệu đồng của Ngân hàng VPbank thông qua liên kết với mạng Mobifone. Khi trả lãi và gốc, ông Thạch trả 1.744.000đ/tháng, lãi suất 58%/năm (vay 2 năm). Ngân hàng tính lãi cho ông Thạch trên số tiền gốc 30 triệu đồng, không phải theo dư nợ giảm dần.
Mấy tháng vừa rồi ông Thạch không trả nợ, phía ngân hàng đã gửi mail và gọi điện cho biết đã đưa đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân để kiện ông và bán nợ cho Công ty đòi nợ. Ông Thạch đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, hướng dẫn về trường hợp của ông.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:
Khoản 4 Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) (Luật các TCTD) quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng: “Thông báo công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng”.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD quy định: “1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định nguyên tắc cho vay, vay vốn: “1. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường; 2. Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng”.
Khoản 1 và Khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này; 3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.”
Điểm g Khoản 1 Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau: “Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng”.
Căn cứ vào các quy định pháp luật trích dẫn, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Chinhphu.vn