• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô"

(Chinhphu.vn) - Vào 14h chiều nay, 15/7/2025, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô".

15/07/2025 17:00
TỔNG THUẬT: Tọa đàm

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí lại đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có hành động quyết liệt như hiện nay, nhất là tại Hà Nội – ô nhiễm không khí luôn là vấn đề "nóng".

Trên truyền thông, báo chí, chỉ cần gõ cụm từ "ô nhiễm không khí tại Hà Nội", ngay lập tức sẽ nhận được một loạt thông điệp rất đáng quan ngại: "Chịu đau khi không khí Hà Nội ô nhiễm thứ 2 thế giới"; "Bầu trời Hà Nội mù mịt từ sáng đến chiều"; "Chất lượng không khí sáng 15/7: Thêm một ngày ô nhiễm tại Hà Nội"; "Tình hình không khí sáng 15/7: Thủ đô Hà Nội vẫn ở mức không lành mạnh"...

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết: 56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải, 800.000 ô tô chạy bằng xăng dầu, cùng với bụi đường do ma sát từ lốp xe…. Bên cạnh đó, ô nhiễm của Hà Nội còn đến từ sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, các yếu tố thời tiết, khí hậu… Từ thực tế nêu trên, dẫn khuyến nghị từ các chuyên gia, công luận nhấn mạnh rằng: "Cần cú hích chuyển đổi xanh" để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là tại các thành phố lớn, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, nơi các chỉ số ô nhiễm liên tục đặt trong trạng thái "cảnh báo"?

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

Những nội dung này sẽ được bàn thảo, phân tích, hiến kế tại Tọa đàm: "QUYẾT LIỆT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN THỦ ĐÔ" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức hôm nay với sự tham dự của các vị khách mời là chuyên gia môi trường, đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời:

- Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội;

- Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

- Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

- PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.

Tình trạng ô nhiễm có chiều hướng gia tăng

MC: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được hỏi Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng với tư cách là một chuyên gia về môi trường, ông đánh giá thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Hà Nội, thưa ông?

TS. Hoàng Dương Tùng: Về thực trạng môi trường Hà Nội hiện nay thì qua các số liệu quan trắc của nhiều năm, chúng ta đều nhận thấy chất lượng môi trường không khí ở trong nội đô bị suy giảm nghiêm trọng trong rất nhiều ngày, nhiều tháng và đặc biệt là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, là vào mùa đông, chỉ số chất lượng không khí AQI nhiều ngày là ở màu đỏ, màu tím rồi màu nâu.

Một điều lo ngại nữa là xu thế đó có chiều hướng không giảm mà lại tăng qua nhiều năm. Chúng ta thấy rằng vấn đề ô nhiễm là vấn đề nóng của Hà Nội, của nội đô Hà Nội.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

TS. Hoàng Dương Tùng: Qua các số liệu quan trắc của nhiều năm, chúng ta đều nhận thấy chất lượng môi trường không khí ở trong nội đô bị suy giảm nghiêm trọng

MC: Mới đây, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, Chỉ thị 20 nêu một loạt giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất rắn, ông cảm nhận thế nào về những thông điệp nêu trong chỉ thị này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi đã đọc rất là kỹ Chỉ thị 20. Tôi thấy sự quyết liệt của Thủ tướng trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm nói chung, không chỉ không khí mà còn là nước thải, chất thải rắn và rất nhiều chính sách mà tôi nghĩ rằng rất đúng.

Điều đấy thể hiện quyết tâm của chúng ta, của tất cả các cấp để làm sao giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề hết sức nóng, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác, không chỉ là không khí, không chỉ là giao thông mà còn là vấn đề công nghiệp, nước thải từ các cơ sở sản xuất, vấn đề rác.

Tôi nghĩ rằng Chỉ thị này rất đồng bộ, rất bài bản và tôi nhận thấy là sự quyết liệt với những thời hạn rất cụ thể, không chỉ thời hạn năm sau mà cũng có thời hạn ngay cả trong năm nay.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường: Những chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách cũng mang tính tổng thể và toàn diện

Chỉ thị 20 của Thủ tướng: Cấp bách, quyết liệt, tổng thể

MC: Xin được cảm ơn Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng. Cũng với câu hỏi trên, ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi cũng xin được hỏi ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường. Thưa ông, vậy thì ông có thể phân tích thêm cũng như là đánh giá ở góc độ quản lý nhà nước thì những nội dung của Chỉ thị 20 như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường: Những chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách cũng mang tính tổng thể và toàn diện, tập trung vào nhiều nội dung. Chỉ thị đưa ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, về không khí tại một số đô thị lớn, về nước thải tại lưu vực sông hay là xử lý chất thải rắn tại các đô thị, vùng nông thôn. Chỉ thị đưa ra nhiều giải pháp bổ trợ khác với tổng thể về mặt cơ chế, chính sách để mục tiêu đạt được giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.

Cũng phải nói rằng trong suốt năm qua, theo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, trước đây là của Bộ Tài nguyên và Môi trường nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường thì chúng tôi đã quan trắc và theo dõi thì cũng thấy là vào thời điểm năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 toàn cầu thì chất lượng không khí có suy giảm ở tại một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Nhưng trong thời kỳ diễn ra đại dịch thì hầu như các hoạt động sản xuất, hoạt động của cá nhân, hoạt động đi lại, giao thông giảm thiểu, nên hai năm đó chất lượng môi trường không khí ở các đô thị nói chung và đặc biệt Hà Nội là tốt.

Nhưng sang năm 2023 và đặc biệt là 2024 khi mà nền kinh tế chúng ta phục hồi thì đường cong về ô nhiễm không khí ở tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội tăng lên.

Chúng ta biết rằng từ cuối năm 2024 có một đợt ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội đã kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 4 năm nay. Điều đó phản ánh nếu không kiểm soát tốt các hoạt động phát thải gây ô nhiễm thì sẽ làm suy giảm chất lượng không khí tại các đô thị. 

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

PGS. TS Nguyễn Văn Sơn: Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội

Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng

MC: Từ góc độ chuyên gia y tế, xin PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân, đời sống xã hội, nhất là tại Thủ đô Hà Nội?

PGS. TS Nguyễn Văn Sơn: Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội. Các tác nhân gây ô nhiễm gồm bụi PM2.5, gây tác động lên hệ hô hấp, đặc biệt là gây ra hoặc ảnh hưởng nặng đến người đang mắc các bệnh như bệnh hen cũng như các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt với các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Ô nhiễm có thể tác động lên hệ tim mạch khi hấp thụ các hóa chất, bụi gây ra hiện tượng sơ vữa ảnh hưởng đến tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tác động đến hệ miễn dịch. Khi tiếp xúc ô nhiễm kéo dài thì bị suy giảm hệ miễn dịch và gây ra các bệnh nhiễm trùng, bệnh mãn tính và có thể tác động lên hệ thần kinh, gây viêm thần kinh, gây ra các bệnh Alzheimer, Parkinson.

Ô nhiễm tác động lên da khi tiếp xúc với các hydrocarbon, gây ra hiện tượng lão hóa sớm hoặc đặc biệt là gây ra các đốm sắc tố da; có thể tác động đến mắt, gây tổn thương võng mạc. Mọi người hay thấy những đợt ô nhiễm không khí thì số bệnh nhân đến khám mắt rất nhiều.

Về vấn đề xã hội, nhiều người bị mắc bệnh dẫn đến quá tải bệnh viện, làm suy giảm khả năng lao động, giảm chất lượng cuộc sống.

Ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, các lĩnh vực khác như đầu tư, giáo dục. Có những đợt ô nhiễm nặng nề, chúng ta thông báo cho học sinh nghỉ học.

Chỉ thị 20 là cấp bách, quyết liệt thì hành động của Thành phố phải quyết liệt và cấp bách

MC: Thưa ông Dương Đức Tuấn, qua ý kiến của các chuyên gia môi trường, y tế và thực tiễn quản lý, với tư cách là lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường của Thủ đô hiện nay. Thời gian qua, thành phố đã triển khai những giải pháp gì để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân?

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn:

Vấn đề ô nhiễm môi trường hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, môi trường sống của xã hội. Thủ đô Hà Nội, trong suốt quá trình, phát triển luôn xác định mục tiêu phấn đấu Thủ đô Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Xanh - Thông minh. Quá trình quản lý phát triển xác định các mục tiêu phải bảo đảm Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp.

Tình trạng ô nhiễm môi trường của Thủ đô Hà Nội hiện nay hết sức cấp bách, đe dọa trực tiếp tới môi trường, chất lượng sống, sức khỏe của nhân dân.

Đây là những nội dung thể hiện thách thức liên quan đến mục tiêu phát triển của Thủ đô Hà Nội, cũng giống như một số đô thị lớn khác (TPHCM, Bắc Kinh…), các đô thị cũng trải qua thời kỳ rất khó khăn liên quan tới kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Như các chuyên gia đã nêu toàn diện các khái niệm ô nhiễm môi trường không khí, chất thải rắn, nước thải, ngay cả những dòng sông. Trong quá trình này cũng nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Thành phố xác định đây là mục tiêu rất quan trọng, thiết lập những chương trình, đề án, chuyển hóa thành những quy hoạch để xử lý vấn đề này. Ví dụ, việc ô nhiễm các dòng sông, nhất là trong nội đô như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Đường Sét… ngay đến sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích… những dòng sông liên quan đến cấu thành không gian cảnh quan toàn thành phố cũng là những nội dung chúng tôi tập trung cao độ xử lý ô nhiễm môi trường nước, khắc phục, hồi sinh các dòng sông. Những quy hoạch, chương trình, đề án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Đường Sét cũng đang được triển khai, hay xử lý chất thải rắn đồng bộ với quản lý về vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự, văn minh, cũng thiết lập hệ thống các nhà máy đốt rác phát điện, kiểm soát quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải quy mô lớn đối với đô thị đặc biệt, nhất là khu vực trung tâm.

Bên cạnh đó, xử lý nhiều nội dung liên quan chất thải rắn, kể cả những chất thải độc hại.

Riêng về ô nhiễm môi trường không khí, đây thực sự là vấn đề thách thức vô cùng lớn.

Theo các nghiên cứu cũng như đánh giá của các cơ quan Trung ương và Thành phố, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí là từ các phương tiện giao thông vận tải, nhất là quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải của chúng ta cơ bản sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Còn các xu hướng hiện đại sẽ chuyển hóa sang các phương tiện xanh, sạch sử dụng nhiên liệu điện, khí. Thậm chí các phương tiện vận tải hành khách công cộng đã chuẩn hóa toàn bộ, hoặc các mô hình hạ tầng giao thông tiên tiến như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao đều sử dụng các nhiên liệu sạch là điện. Từ đó mà chúng ta thấy khuôn mẫu, hình mẫu môi trường đô thị, đặc biệt trung tâm của các đô thị lớn trên thế giới, kể cả khu vực đều là môi trường đô thị bảo đảm chất lượng môi trường đô thị.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô"- Ảnh 6.

Ông Dương Đức Tuấn: Tình huống đã trở nên cấp bách và những giải pháp cần phải quyết liệt để giải quyết tình trạng này.

Mọi hệ quả của ô nhiễm môi trường đều tạo ra sự hạn chế phát triển, thậm chí có thể gây khủng hoảng liên quan đến kinh tế, xã hội cũng như đời sống nhân dân. Chính vì thế, Trung ương cũng như Thành phố cũng đã nhiều lần xác định các nghị quyết, chỉ thị, Luật Bảo vệ môi trường cũng như các luật khác liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nước… đều hướng tới các biện pháp, giải pháp để bảo đảm tình trạng ô nhiễm môi trường được kiểm soát.

Tuy nhiên, như các chuyên gia phân tích, ô nhiễm môi trường có dấu hiệu ngày càng gia tăng, chính vì thế vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg, ngay tên Chỉ thị cũng đã minh chứng cho nhiệm vụ cấp bách.

Tình huống đã trở nên cấp bách và những giải pháp cần phải quyết liệt để giải quyết tình trạng này.

Theo đó, như các chuyên gia đã phân tích, nhiệm vụ của TP. Hà Nội là triển khai Chỉ thị 20, đây là một Chỉ thị có các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt, khá toàn diện trong lĩnh vực môi trường, trong đó cũng xác định một đối tượng là các phương tiện giao thông vận tải cá nhân.

Hiện nay, dân số TP. Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, chưa kể dân số tự do lưu thông trong quá trình phát triển của Thành phố. Có trên 8 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy. Riêng trong khu vực vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô, số lượng xe máy lên tới 450.000, dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.

Vành đai 1 là vành đai hàm chứa cả những trung tâm nội đô lịch sử rất lớn như khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ thuộc trung tâm Hoàng thành, trung tâm chính trị Ba Đình.

Chính vì thế, trong Chỉ thị 20 đã đưa ra những giải pháp, những nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ tiêu có liên quan đến việc xử lý các phương tiện giao thông. Qua các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các chuyên gia, cũng xác định đối với lượng phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu; nhất là xe máy là một hợp phần nguyên nhân tạo ra ô nhiễm không khí (chiếm khoảng 60%). Đặc biệt, đối với xe máy, nhiều người sử dụng phương tiện xe máy cá nhân, số liệu của chúng tôi là tới gần 70% là phương tiện cũ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát khí thải hiện nay vẫn còn hạn chế.

Trên thực tế, nhân dân khu vực trong và ngoài nội đô, ngoại tỉnh lân cận đều sử dụng các phương tiện khó kiểm soát liên quan đến xả thải ra môi trường.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô"- Ảnh 7.

Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu

Chỉ thị 20 cũng tương đồng với Luật Thủ đô, cũng có những điều khoản rất cụ thể trong việc triển khai Điều 28 Luật Thủ đô. Theo đó, TP. Hà Nội phải kiểm soát các vùng phát thải thấp. Đây cũng là nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị 20. Vừa qua, triển khai Luật Thủ đô, TP. Hà Nội cũng đã ban hành các nghị quyết trên cơ sở thiết lập các đề án để quy định các vùng phát thải thấp.

Vùng phát thải thấp là vùng kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện, các yếu tố, nhân tố có thể gây ra ô nhiễm môi trường.

Theo đó cũng theo nguyên tắc kiểm soát trong khu vực trung tâm đô thị lõi, xác định theo các vành đai như vành đai 1, mở rộng vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, thậm chí vành đai 5. Riêng vành đai 4, vành đai 5 thì là vành đai liên vùng thủ đô, vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử, vành đai 2 là thuộc nội đô lịch sử, vành đai 3 là nội đô mở rộng.

Quá trình này rất phù hợp cho các vùng không khí để xử lý. Chắc chắn tất cả phương tiện dù là phương tiện cá nhân hay công cộng đều phải hướng tới phát thải thấp.

Chắc chắn rằng, chỉ những phương tiện sạch mới tạo ra điều kiện phát thải thấp, các phương tiện 2 kỳ, chạy xăng, dầu tạo ra những hệ lụy về môi trường. Hệ quả của việc này là vừa không văn minh vừa thiếu trật tự và đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới môi trường.

Chỉ thị mới ban hành ngày 12/7, TP. Hà Nội sẽ phải nghiên cứu những chương trình, kế hoạch tổng thể cụ thể để triển khai, thiết lập các biện pháp, giải pháp.

Nội dung Chỉ thị 20 toàn diện các lĩnh vực môi trường, chúng tôi đang triển khai các chương trình khác nhau, riêng nội dung về phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng dầu, đây là một vấn đề phải bảo đảm hết sức hài hòa liên quan tới nhân dân sử dụng phương tiện này, các doanh nghiệp, nhà nước để bảo đảm khả năng vừa chuyển hóa phù hợp, vừa khả thi để triển khai.

Chỉ thị 20 có nêu rất cụ thể như, đến ngày 01/7/2026 không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) mà chuyển sang sử dụng phương tiện sạch, xanh. Đến ngày 01/01/2028, trong vành đai 1 không sử dụng mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, xét các điều kiện này để phát triển tiếp tới vành đai 3. Đây có thể chưa hết cả Thủ đô được, ô nhiễm Thủ đô đương nhiên có cả trong lòng Thủ đô, khu trung tâm Thủ đô và những khu vực trong vùng Thủ đô.

Để triển khai việc này, TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp hết sức cụ thể, nhưng có một số nội dung chính mà Thành phố sẽ phải thực hiện.

Theo đó, chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất nhất cho nhân dân, đặc biệt nhân dân sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực vành đai trung tâm của Thủ đô.

Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân ở khu vực ngoài vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030, kể cả trong Thủ đô và giao diện với Thủ đô cũng thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi.

Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, có sự phối hợp của nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cũng sẽ có những biện pháp để kêu gọi và tổ chức quản lý, triển khai cho tất cả doanh nghiệp cung ứng các phương tiện để đưa ra chế độ ưu đãi nhất để đổi các phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào cả giá thành, các vấn đề liên quan tới sử dụng phương tiện đó tốt nhất.

Bởi vì đây là sự nghiệp chung để kiến tạo môi trường chứ không chỉ có riêng nhà nước, hay nhân dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt kèm theo các vấn đề như lệ phí trước bạ, đăng ký và các vấn đề như giao thông tĩnh. Trong lộ trình này sẽ tăng cường cho khu vực hạn chế xe xăng dầu, ưu đãi cho các xe sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc chuyển đổi này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch đăng ký thì miễn phí gần như 100% lệ phí trước bạ, đăng ký.

Giao thông tĩnh cũng có sự hỗ trợ nhất định, có cả loại hình ô tô và xe máy. Đối với xăng dầu, đây là một quá trình quản lý phải đạt tới điểm hài hòa trung chuyển phù hợp.

Nội dung đó là quan trọng và chúng tôi cũng đang nghiên cứu, UBND TP. Hà Nội cũng sẽ trình HĐND Thành phố để thiết lập các nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề này. Chúng tôi dự kiến vào tháng 9/2025 sẽ trình theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 20 yêu cầu.

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi phương tiện, trước mắt trong vành đai 1 với mốc ngày 01/7/2026, những sự hỗ trợ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trạm sạc cho các xe sử dụng điện sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật này, còn là nhiệm vụ về đầu tư công của Thành phố để kiện toàn trạm sạc phù hợp, song song với việc phải bảo đảm an toàn.

Nhiều trường hợp chúng ta kiểm soát không phù hợp sẽ tạo ra dấu hiệu mất an toàn cho các đối tượng sử dụng xe này. Chúng ta thấy pin xe là vấn đề liên quan tới cả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Chúng tôi sẽ kiểm soát và thiết lập đồng bộ với hệ thống giao thông tĩnh, kiểm soát chặt các khu vực trong cấu trúc công năng một tòa nhà, chủ yếu triển khai các khu vực bên ngoài gắn với hạ tầng kỹ thuật giao thông, kể cả giao thông động và giao thông tĩnh, các khu vực công cộng, làm sao thể hiện được mạng lưới thuận tiện nhất và tốt nhất để bảo đảm khả năng, đây cũng chính là phương tiện để bảo đảm hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hòa nhập trong đô thị thông minh, được kiểm soát chặt chẽ về chuyển đổi số và quản trị.

Chúng tôi cũng phải trù bị các khu đô thị mới, sẽ kiểm soát các hạ tầng kỹ thuật này đồng bộ, liên quan đến cả sử dụng năng lương sạch, không chỉ có xe máy, ô tô, không chỉ có một hãng mà nhiều hãng.

Có những mô hình chúng tôi học tập thế giới, có những trạm, khu vực có thể đổi các pin xe tại chỗ, đa hãng.

Trong nội đô vành đai 1 sẽ khó khăn hơn, trước mắt là những vấn đề về xe máy, chúng tôi sẽ có những biện pháp hết sức linh hoạt, phù hợp. Điều này rất quan trọng.

Bên cạnh đó sẽ đồng hành vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung ương và địa phương theo luật. Đây không phải là hạn chế phương tiện cá nhân ngay. Chắc chắn khi tác động vào phương tiện cá nhân mà tỉ lệ tương đối lớn như vậy thì một vấn đề quan trọng là tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng.

Đồng thời trong vành đai 1 và 2, chúng tôi phải tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, hiện đại nhất, thông minh nhất.

Đây cũng là nội dung của Chỉ thị 20. Trong TP. Hà Nội, hiện nay khu vực vành đai 1 có 45 tuyến xe buýt với 535 xe, trong đó có 11 tuyến xe buýt điện với 126 xe. Chúng tôi sẽ cấu trúc lại mạng lưới này.

Đồng hành với đề án, chúng tôi chuyển đổi các hệ thống xe buýt sang năng lượng xanh, sạch, cơ bản cũng là xe điện.

Đề án đã ban hành, nghị quyết đang hình thành, lộ trình này sẽ đến năm 2030 Thành phố sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe buýt điện.

Hiện nay vành đai 1 mới chỉ được 11/45 tuyến xe buýt điện. Bản thân xe buýt cũng phải chuyển đổi. Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới xe buýt quy mô trung bình 8-12-16 chỗ. Hiện nay loại hình này tỏ ra rất hiệu quả khi triển khai hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực vành đai 1 để tạo thành mạng lưới phủ rộng hơn.

Cũng có loại hình taxi xe điện kiểm soát bổ trợ, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực vành đai 1, phát triển lan tỏa vành đai 2 trong tương lai với lộ trình đến năm 2028 tiến tới 2030 cho các vành đai.

Đối với hệ thống xe buýt này, chúng tôi sẽ cố gắng kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị. Hiện nay có tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào trung tâm vành đai 1, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, ngay trong năm 2025 và đến năm 2030 TP. Hà Nội sẽ phải hình thành hoàn chỉnh 3 tuyến đường sắt đô thị (tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, số 5) và tuyến đường sắt đô thị nhánh số 2A.

Chúng tôi cũng có những tuyến như Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, Nam Thăng Long – Nội Bài. Hay như tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội, Ga Hà Nội – Hoàng Mai, Nhổn – Sơn Tây, tuyến số 5 từ Hồ Tây, Văn Cao đi xuyên qua nội đô lịch sử vành đai 1, 2 ra tới phía Tây Thành phố là Hòa Lạc, hay ngay tuyến Cát Linh – Hà Đông thì sẽ có những tuyến như Hà Đông kéo dài Xuân Mai để hoàn chỉnh.

Đây là chúng tôi triển khai quyết liệt theo một đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 188 ngày 09/02/2025, theo đó đến năm 2030 chúng tôi phải hoàn thành 98 km, hiện nay mới chỉ được 25 km dài. Đây là các phương tiện vận tải khối lượng lớn tốc độ cao.

Ngay cả khu vực sông Hồng cũng được quan tâm trong thời gian tới để kiện toàn hạ tầng kỹ thuật. Nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên. Hiện nay tỉ lệ này toàn Thành phố còn hạn chế, mới chỉ khoảng 20%. Thời gian tới, đến 2030, tỉ lệ này sẽ phải cố gắng nâng tới 35%, thậm chí 40%.

Vận tải hành khách công cộng càng tăng cao thì càng kiểm soát được phương tiện cá nhân.

Chúng tôi sẽ có lộ trình đồng hành để triển khai, hướng tới văn minh, thông minh đô thị trong sử dụng các phương tiện này. Đối với vành đai 1, trong quá trình phát triển đường sắt đô thị, cấu trúc lại hệ thống xe buýt, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ cố gắng nâng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng trước mắt cho vành đai 1 lên gấp đôi so với tỉ lệ chung của toàn Thành phố, bảo đảm 40%.

Như vậy người dân sử dụng xe máy chuyển đổi trong vành đai 1, kể cả người dân ngoài vành đai 1 tới vành đai 1, phân tán vào hệ thống mạng lưới giao thông của vành đai xuyên tâm là có một mạng lưới để bổ trợ.

Những nội dung này chúng tôi sẽ tổng hợp, rà soát chi tiết, cụ thể, thống kê, đưa ra những giải pháp quản lý chi tiết. Đó là những nội dung hết sức cơ bản để có thể triển khai được Chỉ thị 20.

Chỉ thị 20 là cấp bách, quyết liệt thì đương nhiên hành động của Thành phố là phải quyết liệt và cấp bách và chúng ta chỉ có thể làm được việc này thì mới có được chuyển động xanh chuyển biến trong việc kiểm soát một phần môi trường.

Chúng ta đối chiếu với những đô thị trên thế giới thì đương nhiên các phương tiện giao thông công cộng, tổ chức không gian hạ tầng, cảnh quan hết sức tốt, đó là mục tiêu chúng ta phấn đấu.

Đối với Thủ đô, có Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, phấn đấu Thủ đô hội nhập toàn cầu, những vấn đề phát triển lớn về kinh tế, xã hội mang lại từ nền tảng tổ chức không gian sống. Một trọng tâm là môi trường, TP. Hà Nội đương nhiên đồng hành vấn đề này là 2 nội dung lớn phải giải quyết, đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Đây là Chỉ thị tác động thẳng vào những nội dung này và chỉ có thể làm được điều này khi mà chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp đồng hành, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để triển khai.

Tôi hi vọng lợi ích hài hòa trong vấn đề này sẽ bảo đảm hết tất cả, không có hiện tượng đột ngột, đứt gãy, khó khăn, bất khả thi. Những nội dung này phải cố gắng cao độ, quyết liệt mới thực hiện được.

Chuyển đổi giao thông xanh: Không còn đường lùi

MC: Thưa ông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề giảm thiểu tác động ô nhiễm từ những phương tiện giao thông.

TS. Hoàng Dương Tùng: Trên thế giới có rất nhiều những bài học, bài học thành công cũng có, bài học thất bại cũng có để giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí.

Chúng ta có thể dễ thấy nhất, gần đây nhất và cũng gần chúng ta là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) chẳng hạn. Cách đây hơn 10 năm, đây là thành phố rất ô nhiễm, luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Nhưng qua nỗ lực rất lớn của chính quyền cũng như nhân dân, doanh nghiệp, đến bây giờ chất lượng không khí của Bắc Kinh đã được cải thiện lên rất nhiều. Những vấn đề ô nhiễm từ các nguồn giao thông, người ta đã giải quyết rất triệt để.

Đương nhiên có các nguyên nhân ô nhiễm không khí, cũng giống như Hà Nội, từ các cơ sở sản xuất, từ giao thông, từ các hoạt động dân sinh. Tôi sẽ nhấn mạnh ở đây là vấn đề giao thông. Họ cũng có những bước chuyển đổi rất lớn, ví dụ như họ quyết tâm chỉ trong 1, 2 năm, họ chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, rất nhanh, rất quyết liệt, cũng giống như Chỉ thị 20 của chúng ta.

Họ đầu tư một khoản rất lớn, ví dụ như chuyển đổi các xe, người ta cũng làm từ vùng lõi trước rồi mở rộng ra, và có rất nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Hiện nay rất nhiều thành phố của Trung Quốc đã chuyển đổi sang xe điện, không chỉ Bắc Kinh.

Giải quyết không khí từ các phương tiện giao thông, chúng ta thấy các vùng phát thải thấp cũng được rất nhiều thành phố châu Âu làm như thế. Họ thành lập ra các vùng phát thải thấp, khoảng 300 vùng, họ đánh giá và thấy vùng phát thải thấp rất hiệu quả.

Người ta chỉ cho đi lại những phương tiện xanh, cấm hẳn những phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, cấm một số phương tiện gây ô nhiễm. Việc chuyển đổi như thế cũng diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), Indonesia. Ví dụ Indonesia họ cũng có những bài học thất bại. Từ đầu họ chuyển đổi chỉ bằng cách hỗ trợ, thế nhưng về sau người ta nghiên cứu thấy hỗ trợ không thì chưa đủ, và người ta vừa cấm hoạt động một số loại xe máy chạy xăng, vừa hỗ trợ, vừa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng… Người ta thấy rằng đấy là kịch bản hiệu quả nhất.

Tôi thấy rằng với tất cả các đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch là chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học, có những số liệu. Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20.

Tôi thấy rất mừng vì vừa rồi Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai như vậy, đã thành lập ngay Ban Tư vấn, chỉ đạo. Những biện pháp như thế tôi nghĩ rất kịp thời.

Cũng như anh Dương Đức Tuấn đã nói, nói chung người dân ủng hộ vì điều này sẽ mang lại sức khỏe đến mỗi gia đình. Tuy nhiên người ta cũng rất mong các chính sách hỗ trợ, an toàn, mạng lưới sạc, giao thông công cộng triển khai, công bố nhanh, công bố sớm. Đấy cũng là kinh nghiệm của các nước, các chính sách hỗ trợ làm rất công khai, minh bạch, kịp thời. Thậm chí người ta còn đưa lên các trang web, app để người dân thấy việc chuyển đổi đó như thế nào.

Tôi cũng rất hy vọng Hà Nội với tinh thần quyết liệt như vừa qua sẽ triển khai sớm những biện pháp như thế để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nhanh chóng, thuận lợi, giảm những tác động đến cuộc sống.

Tôi nghĩ rằng những điều đó rất cần thiết và chúng ta cũng gần như không còn đường lùi nữa. Chúng ta càng đi chậm từng nào thì càng thiệt hại từng đấy, tốn kém từng đấy và các giải pháp càng phức tạp. Tôi rất ủng hộ những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng cũng như những hành động nhanh chóng, kịp thời của Thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

Ông Dương Đức Tuấn: Theo lộ trình, vào quý III năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp.

Quý III năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp

MC: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, Điều 28, Luật Thủ đô quy định về bảo vệ môi trường đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội: "Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp…"; "Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch".v.v.

Chỉ thị số 20, cũng yêu cầu Hà Nội quyết liệt triển khai các vấn đề cấp bách như: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp; tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.v.v.

Xin ông Dương Đức Tuấn cho biết kế hoạch triển khai của Hà Nội để sớm đưa các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống?

Ông Dương Đức Tuấn: Triển khai Luật Thủ đô 2024 của Quốc hội, như đã nêu có Điều 28, vào cuối năm 2024, thành phố Hà Nội cũng ban hành một Nghị quyết quy định vùng phát thải thấp và cũng xác định các quy trình, quy định liên quan tới thiết lập vùng phát thải thấp.

Thời điểm đó liên quan chủ yếu tới một số cơ sở là các quận trước đây thí điểm vùng phát thải thấp như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Theo Chỉ thị 20 cũng như Luật Thủ đô thì thành phố Hà Nội cũng sẽ kiện toàn lại nội dung này.

Theo lộ trình, vào quý III năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp. Theo đó, như tôi đã trao đổi ban đầu thì phải kiểm soát theo các cái vành đai: Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3.

Tôi lấy ví dụ như Vành đai 1, trước đây có 5 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Nay đã sắp xếp đơn vị hành chính địa phương 2 cấp thì 5 quận giờ hình thành ra 9 phường. 9 phường đều kiểm soát trong khu vực Vành đai 1.

Tại vành đai này thì quy mô khoảng 31 km², chu vi của đường Vành đai 1 thì khoảng cỡ 25 km, dân số khoảng 600.000 người. Chắc chắn đây là một vùng phát thải thấp kiểm soát nghiêm ngặt.

Và sau đó thành phố sẽ mở rộng ra Vành đai 2, Vành đai 3, đồng bộ với Chỉ thị 20. Đó là triển khai Luật Thủ đô và tiếp theo việc xác định vùng phát thải thấp là sẽ quy định đồng bộ các nội dung liên quan tới tác nhân phát thải, đặc biệt là kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân toàn diện, toàn bộ để tạo lập một vùng phát thải thấp.

Tuy nhiên, các nguồn phát thải đều được kiểm soát chặt chẽ, kể cả sản xuất công nghiệp, ngay cả việc đốt rơm, đốt rạ. Trước đây, thành phố Hà Nội còn có tình trạng sử dụng than tổ ong, ngày nay đã xử lý hết 100% than tổ ong. Rồi nội dung về ô nhiễm môi trường sinh ra từ rác thải, vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường từ những chất thải rắn độc hại, ô nhiễm môi trường các dòng sông, ao hồ thì đều là những nguyên nhân sẽ phải xử lý.

Như chúng tôi đã nói, phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ khoảng 54% đến 75%. Chúng tôi tính trung bình là khoảng 60%. Phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát xe cũ, rồi điều kiện phát thải theo từng ngưỡng. Đây là nhiệm vụ cùng với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí được xác định trong quá trình xây dựng vùng phát thải thấp, chống ô nhiễm.

Xây dựng lộ trình kiểm chuẩn khí thải với xe máy

MC: Xin ông cho biết, dự kiến việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới?

Ông Hoàng Văn Thức: Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có giao rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội.

Với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, được giao trong Chỉ thị này có 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Cục Môi trường đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xây dựng triển khai ngay trong tuần tới.

Nhóm nhiệm vụ đầu tiên Thủ tướng có giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá lại toàn bộ các quyết định, chỉ đạo trước đây của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ như Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 cũng phải rà soát đánh giá lại xem các Bộ, ngành, địa phương triển khai ra sao, nhiệm vụ nào đã triển khai được, cái nào còn đang chậm tiến độ, phải làm rõ trách nhiệm.

Hay Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn… Tất cả những chỉ đạo này phải rà soát đánh giá tổng thể và báo cáo Thủ tướng. Ngay trong quý III thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải có một báo cáo rà soát, trên cơ sở đó sẽ xem những nhiệm vụ nào đã xong, cái nào đang triển khai, cái nào chậm tiến độ phải xác định được nguyên nhân, lý do nếu chậm do nguồn lực không đủ hay cơ chế chính sách thiếu thì phải đề xuất rõ.

Nhóm thứ 2 Thủ tướng cũng giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Liên quan đến mô hình chính quyền 2 cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ sửa đổi một số công việc phân cấp, phân quyền cho địa phương để triển khai những nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, chúng ta phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Tôi lấy ví dụ như quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành mà Bộ đã ban hành, tới đây Bộ sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải về mô tô và xe gắn máy, trong đó có quy định lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy.

Ví dụ như Hà Nội sẽ phải kiểm chuẩn xe mô tô, xe gắn máy từ 1/7/2027 để đạt được lộ trình đó thì các địa phương như TP Hà Nội phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất: điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện hay các cơ chế chính sách khác, cũng tham mưu phối hợp cùng Bộ Tài chính thu hút nguồn lực đầu tư. Chúng ta chuyển đổi xanh phải có cơ chế hỗ trợ chính sách, ngân sách từ Trung ương đến địa phương. Hay trong việc kiểm soát xử phạt vi phạm hành chính thì Bộ cũng đang sửa đổi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nhóm giải pháp tiếp theo là Thủ tướng giao cho Bộ tiếp tục phải đầu tư, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tăng cường mạng lưới về quan trắc để chúng ta có số liệu dày đặc, đảm bảo thông tin phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Đặc biệt, đây là các thông tin về dữ liệu quan trắc, nhất là thông tin về chất lượng không khí phải được chia sẻ để người dân nắm được hàng ngày.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng một dự báo, cảnh báo tiến tới có phát bản tin giống bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, đưa ra các chỉ số từng vùng, đặc biệt là các thông số ô nhiễm

Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thiện giai đoạn cuối trình Thủ tướng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030 trong đó có đề xuất các chỉ tiêu. Ví dụ như đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 với Thủ đô Hà Nội phải giảm bụi mịn xuống 20% so với năm 2024.

Theo đánh giá trung bình năm về bụi mịn tại Hà Nội là 47 µg/m³ thì trong 5 năm tới, phải giảm 20%. Muốn giảm được bụi mịn thì đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cộng đồng người dân doanh nghiệp chung tay cùng 1 loạt giải pháp đã nêu.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm

Bộ Y tế khuyến cáo người dân ứng phó ô nhiễm

MC: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Sơn, thực tế cho thấy việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không thể thực hiện ngay được trong "ngày một, ngày hai", là chuyên gia y tế ông có khuyến cáo gì đối với người dân để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe?

PGS. TS Nguyễn Văn Sơn: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta không thể giải quyết trong "ngày một, ngày hai". Chính vì thế, để giảm thiểu ảnh huởng của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ cộng đồng, ngày 15/1/2024, Bộ Y tế ra khuyến cáo về cách phòng chống ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ cộng đồng như:

- Thường xuyên theo dõi tình trạng ô nhiễm trên trang thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

- Khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng cũng như đúng cách.

- Chúng ta hạn chế hoặc thay thế hoặc không sử dụng bếp than tổ ong, bếp củi đun bằng rơm, rạ thay bằng bếp từ, bếp điện, bếp ga.

- Khuyến khích trồng thêm cây xanh để ngăn bụi, lọc không khí và giảm thiểu ô nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh phòng ở, nhà cửa để hạn chế ô nhiễm ngay trong nhà.

- Thường xuyên theo dõi sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là nhóm nhạy cảm với vấn đề ô nhiễm như trẻ em, phụ nữ có thai, người già, những người có bệnh lý nền về tim mạch, đường hô hấp,… thì tránh xa những nguồn tiếp xúc gây ô nhiễm để hạn chế những tác hại từ ô nhiễm môi trường.

Trong thời điểm có vấn đề ô nhiễm, những người nhạy cảm khi có bệnh biểu hiện như sốt, các bệnh viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị ngay. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm người nhạy cảm với vấn đề ô nhiêm cần tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng,…

Đấy là những khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường trong giai đoạn chưa có một giải pháp tổng thể để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Bây giờ nhiều người đã tắt máy xe khi dừng lâu

MC: Thưa TS. Hoàng Dương Tùng, để bảo vệ môi trường xanh sạch, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô, các ông có đề xuất, hiến kế gì với thành phố cũng như khuyến nghị với người dân và cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Hoàng Dương Tùng: Đối với người dân, chúng tôi nhận thấy mấy năm gần đây, nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường rất cao, như những khái niệm như bụi mịn PM2.5, những chỉ số chất lượng môi trường không khí, những tác hại của nó… Mọi người đều có mong muốn không khí được tốt lên.

Để bảo vệ môi trường, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn của doanh nghiệp và chính chúng ta. Hành động của mỗi con người đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, không khí.

Ví dụ trước đây, chúng ta hay nổ xe máy khi dừng ở ngã tư rất lâu nhưng bây giờ mọi người nếu dừng lâu thì tắt máy. Hoặc mấy năm nay chúng tôi thấy câu chuyện chuyển đổi sang phương tiện xe điện rất nhiều, ô tô cũng có, xe máy cũng có, đặc biệt là xe buýt xanh, thể hiện nhận thức của người dân mong muốn cùng đóng góp bảo vệ môi trường.

Tôi nghĩ rằng hiện nay đối với người dân thì trước hết chúng ta tăng cường nhận thức và chịu khó xem chất lượng không khí như thế nào để có hành động bảo vệ cho chính chúng ta.

Chúng ta hay tập thể dục buổi sáng mà thấy rằng cảnh báo không được tốt thì có thể chuyển sang lúc khác. Chúng ta cũng có những cách, ví dụ như chuyển đổi xe sang năng lượng xanh sạch.

Tôi nghĩ rằng chúng ta bằng nhận thức của mình vừa có hành động chuyển từ nhận thức sang hành động, những hành động của chúng ta tuy nhỏ nhưng đóng góp rất nhiều.

Hay thói quen của chúng ta, tức là xe máy đã thuận tiện quá rồi, chúng ta không có thói quen đi bộ. Rồi hệ thống giao thông công cộng chưa thuận lợi nên chúng ta cũng ngại. Do đó, chúng ta phải thay đổi để tăng cường tham gia giao thông công cộng hơn, bằng cách đó chúng ta cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, ngoài ra còn góp phần đỡ ùn tắc giao thông.

Tôi cho rằng chỉ có sự quyết liệt trong các chính sách và sự tham gia đồng lòng của người dân thì chúng ta mới thành công, với mục đích tối thượng là bảo vệ môi trường không khí của chúng ta.

Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Chắc chắn phải làm được

MC: Thưa ông Dương Đức Tuấn, bảo vệ môi trường là câu chuyện không phải của riêng ai, để có một môi trường trong lành, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan hữu trách rất cần cần sự chung tay của toàn xã hội, qua đây, ông có thông điệp gì để truyền tải với người dân Thủ đô và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội?

Ông Dương Đức Tuấn: Tình trạng ô nhiễm môi trường với Thủ đô Hà Nội hiện nay trở nên hết sức cấp bách. Vì một môi trường sống xanh sạch, đồng thời để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân thì chúng ta phải chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực để triển khai.

Chắc chắn trong quá trình này thì chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo hài hòa lợi ích. Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống thì chắc chắn phải làm được, chỉ có điều là triển khai nhanh hay chậm. Lần này chúng ta sẽ cố gắng để làm nhanh. Đây là thông điệp mà chính quyền Thủ đô sẽ hết sức cố gắng để đảm bảo triển khai, đặc biệt là triển khai Chỉ thị 20 ngày 12 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

MC: Kính thưa quý vị và các bạn!

Môi trường không chỉ là sự sống mà còn là sức khỏe, là tài sản quý báu cho sự phát triển bến vững. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.

Hơn lúc nào hết, từ mỗi cá nhân, đến các cơ quan, tổ chức cần nhận thức đầy đủ thực trạng, yêu cầu và đề cao công tác bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả từ hoàn thiện thể chế, kiểm soát ô nhiễm, nâng cao ý thức cộng đồng, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền".

Những những bài học hay, kinh nghiệm quý cũng như các khuyến nghị, đề xuất của các vị khách mời có ý nghĩa hết sức thiết thực để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cùng cộng đồng tổ chức thực thi hiệu quả, chung tay bảo vệ môi trường trong lành, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ nguồn sống của tất cả chúng ta không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Buổi tọa đàm xin được khép lại tại đây. Một lần nữa trân trọng cảm ơn và xin kính chào tạm biệt, hẹn gặp lại quý vị và các bạn!