Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Mai Phương Toàn (Quảng Nam) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý tình huống sau:
Hồ sơ mời thầu (HSMT) công trình xây dựng một giai đoạn một túi hồ sơ được đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) lập và chủ đầu tư phê duyệt, phát hành.
Khi chủ đầu tư chuẩn bị tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thì phát hiện đơn vị tư vấn đấu thầu trên chưa bảo đảm về năng lực tham gia hoạt động đấu thầu.
Theo đó, trong 3 cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập HSMT chỉ có 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định (HSMT trên vẫn đáp ứng các yêu cầu theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015).
Ông Toàn hỏi, việc HSMT được lập trên có bị coi là không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và nằm trong trường hợp phải hủy thầu để tổ chức lựa chọn lại đơn vị tư vấn lập HSMT có đầy đủ năng lực theo quy định hay không? Nếu không nằm trong trường hợp phải hủy thầu thì có được phép thuê lại đơn vị tư vấn đánh giá HSDT và tiến hành các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Điều 17 Luật Đấu thầu quy định các trường hợp hủy thầu: Tất cả HSDT, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT, hồ sơ yêu cầu; thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, hồ sơ yêu cầu; HSMT, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Theo đó, việc hủy thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên; cá nhân tham gia lập HSMT thuộc đơn vị tư vấn đấu thầu là đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề. Việc HSMT được lập bởi cá nhân không có chứng chỉ hành nghề không thuộc trường hợp hủy thầu theo quy định nêu trên.