Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực trạng này đã được đại biểu Quốc hội đề cập tới tại phiên thảo luận ở nghị trường vừa qua. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cho hay, có cán bộ đã tâm sự rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Đây là một thực trạng đáng buồn. Cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nhưng sợ đến mức "né tránh", không dám làm, hay làm cầm chừng, đùn đẩy việc lên trên thì không thể chấp nhận được. Đây cũng là tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đang khá phổ biến khiến công việc tại nhiều bộ, ngành, địa phương trì trệ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, không quản ngày đêm, nhưng một bộ phận cán bộ cấp dưới lại có tư tưởng cầm chừng, các chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống. Vốn từ lâu, khâu tổ chức thực hiện ở cấp dưới được đánh giá là một khâu yếu.
Lấy ví dụ như tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ gần đây về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân là "một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm". "Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, tính bằng giờ, bằng phút", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu ngành y tế rà soát quy định để làm tốt hơn; tránh tâm lý sợ sai, không dám làm.
Hay như việc hồi sinh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vốn chậm trễ do nhiều nguyên nhân nhưng phần nào do tâm lý trì trệ, sợ trách nhiệm… Để đưa dự án vào hoạt động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều quyết sách quan trọng, bắt đúng mạch của vấn đề. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được Thủ tướng giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo, động viên, chia sẻ, liên tục kiểm tra, đốc thúc triển khai dự án. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, nếu không có tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao thì không thể hoàn thành và nhấn mạnh: "tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí, không để các đồng chí làm một mình, chịu trách nhiệm một mình".
Đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm gì sẽ làm mất đi động lực, cơ hội làm ăn, kìm hãm sự phát triển, nhất là ở những cơ quan đơn vị, địa phương có vị trí quan trọng chiến lược quốc gia. Do đó đòi hỏi phải có "liều thuốc mạnh" để xua tan và dẹp tan nỗi lo "một ngày đẹp trời bỗng nhiên mắc sai phạm".
Ngay từ phiên họp Chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ yêu cầu nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đây sẽ là trụ đỡ quan trọng để giải tỏa, khắc phục tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng, không vì danh, lợi cá nhân.
Chắc chắn một thể chế, cơ chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ lo cho mình, gia đình mình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ…
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Cán bộ cũng cần phải nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ để "biết đúng, biết sai", và nêu cao ý thức, trách nhiệm để biết làm, dám làm với động cơ trong sáng, ai cũng chờ một cơ chế, chính sách toàn mỹ rồi mới dám thực hiện thì đất nước khó có sự phát triển đột phá.
Đức Tuân