Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điểm đ Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành phần hồ sơ phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng có nội dung chính về tiến độ, kinh phí thực hiện phá dỡ.
Ông Minh Trí (TPHCM) hỏi, đối với trường hợp đơn vị lập phương án phá dỡ không lập dự toán chi tiết phá dỡ công trình mà chỉ có giá trị tổng do đơn vị báo giá (do đơn vị lập phương án phá dỡ không thể vào nhà bị cưỡng chế để tiến hành khảo sát lấy khối lượng cụ thể) thì trường hợp này trong hồ sơ lập phương án phá dỡ công trình có bắt buộc phải có dự toán chi tiết phá dỡ công trình không?
Bên cạnh đó, trường hợp này, Nhà nước sẽ tạm ứng trước chi phí phá dỡ để cưỡng chế phá dỡ công trình và người bị cưỡng chế sẽ thanh toán lại phần Nhà nước tạm ứng. Như vậy thì dự toán chi tiết phá dỡ công trình có bắt buộc phải tuân thủ theo Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí và các định mức tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD, đơn giá của Sở Xây dựng tại địa phương hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Nội dung câu hỏi chưa nêu rõ về nguồn vốn sử dụng để đầu tư cho dự án nên Bộ Xây dựng chưa đủ cơ sở để trả lời chi tiết câu hỏi của ông.
Trường hợp dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, thì việc xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các thông tư hướng dẫn (Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng…).
Chi phí phá dỡ các công trình xây dựng được xác định bằng cách lập dự toán xây dựng trên cơ sở khối lượng được đo bóc từ hồ sơ hiện trạng của công trình cần phá dỡ, phương án phá dỡ và đơn giá tương ứng. Lưu ý, tính toán chi phí thu hồi khi xác định dự toán gói thầu phá dỡ công trình.
Chinhphu.vn