Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Hoàng Trọng Lâm (Đà Nẵng), Điểm g, Khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Ông Lâm hỏi, nếu sau hơn 45 ngày kể từ ngày đóng thầu mà bên mời thầu vẫn chưa ra quyết định trúng thầu, cũng như thông báo kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, thì nhà thầu cần phải làm gì và trách nhiệm bên mời thầu như thế nào?
Nếu sau tối đa 20 ngày (kéo dài thời gian đánh giá) hay tổng cộng 65 ngày kể từ thời điểm đóng thầu mà bên mời thầu vẫn không chịu ra kết quả quyết định trúng thầu thì nhà thầu cần phải làm gì để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm bên mời thầu như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Điểm g, Khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên.
Ngoài ra khi tham dự thầu, nếu nhà thầu phát hiện dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì nhà thầu có thể gửi kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa.
Việc giải quyết kiến nghị và giải quyết tranh chấp trong đấu thầu được quy định tại các Mục 1, 2 Chương XII Luật Đấu thầu.