Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Giao thông vận tải cho biết, kể từ khi Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải có hiệu lực (01/7/2017), công tác quản lý nhà nước về hàng hải đã phát huy được hiệu quả, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển.
Tuy nhiên, sau hơn 06 năm thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, bất cập phát sinh từ thực tiễn và từ chính những quy định của Nghị định cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp để bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Cụ thể, về hoạt động đặt hàng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải: căn cứ Điều 24 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải là dịch vụ công ích. Tuy nhiên việc đặt hàng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, theo đó dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải được quy định là dịch vụ sự nghiệp công. Do vậy cần phải sửa đổi Điều 24 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
Về công bố thông báo hàng hải: hiện nay, doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải đang được giao thẩm quyền thực hiện 06 thủ tục công bố thông báo hàng hải quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 44 của Nghị định. Tuy nhiên, việc công bố thông báo hàng hải là thủ tục hành chính do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, hiện nay đang giao cho 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam là chưa phù hợp. Hiện nay, doanh nghiệp bảo đảm công bố thông báo hàng hải, công tác an toàn hàng hải tại khu vực vùng nước do Cảng vụ hàng hải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi thẩm quyền công bố thông báo hàng hải tại Điều 45 của Nghị định.
Đối với kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời: cắt giảm các thành phần hồ sơ cần thiết đối với kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời phục vụ mục đích xây dựng công trình, dự án khi công bố đưa vào sử dụng vì các kết cấu này không thực hiện kinh doanh khai thác, chỉ tiếp nhận vật liệu trong quá trình thi công, do vậy không cần thiết phải đầy đủ hồ sơ về chấp thuận nghiệm thu nhà nước, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh cảng biển.
Ngày 28/9/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Để thực hiện Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về sử dụng tàu lai hỗ trợ cho phương tiện thủy nội địa để nâng chiều dài của phương tiện nhằm tăng năng suất hoạt động vận tải.
Thêm vào đó, thực hiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023, các quy định liên quan đến thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu thuyền cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí của người dân ngày càng tăng cao, nhất là hoạt động gắn liền với sông nước, du lịch biển. Mô hình tàu lặn du lịch là một sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam không những đa dạng hóa dịch vụ, thu hút du khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng thời cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế về hệ sinh thái phong phú, đa dạng tại Việt Nam.
Bên cạnh lợi ích về phát triển kinh tế du lịch, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của loại hình phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thuộc phạm vi hàng hải chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 mới chỉ quy định về đăng ký và đăng kiểm đối với loại phương tiện này, các văn bản dưới luật liên quan cũng chưa hướng dẫn cụ thể dẫn đến còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông và công tác tìm kiếm cứu nạn khi gặp sự cố.
Du thuyền bản chất là tàu biển nhưng chưa có quy định cụ thể. Du thuyền là phương tiện để phục vụ hoạt động du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí ở trên biển, ven biển, hồ, đầm, vịnh… Tại các quốc gia, phương tiện này đã phát triển rất lớn mạnh. Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam du thuyền có thể đăng ký theo quy định là tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa và chịu sự quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa hoặc Sở Giao thông vận tải tương ứng với hình thức đăng ký. Số lượng du thuyền đăng ký là tàu biển rất ít, chủ yếu là đăng ký phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, du thuyền vào, rời cảng đường thủy nội địa sẽ gặp hạn chế vì đa số các cảng, bến thủy nội địa không tiếp nhận được du thuyền nước ngoài. Đặc thù của du thuyền đa phần là du thuyền nước ngoài, hoạt động cá nhân hoặc theo từng nhóm hội. Hiện nay, hiệp hội du thuyền muốn tổ chức các hoạt động của hiệp hội tại Việt Nam nhưng không thực hiện được. Có thể khẳng định, bổ sung quy định của pháp luật về hoạt động du thuyền sẽ tạo điều kiện kích cầu du lịch mạnh mẽ. Vì vậy, hoạt động khai thác, vận hành du thuyền còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du thuyền khó phát triển làm lãng phí tài nguyên du lịch, giảm hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Theo quy định Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 không giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về tàu lặn. Vì vậy, khi bổ sung quy định về tàu lặn, việc nghiên cứu kết cấu dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2017/NĐ-CP sẽ gặp nhiều vướng mắc do nội dung quy định của tàu lặn cần được kết cấu độc lập. Mặt khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp bổ sung ban hành quy định pháp luật về hoạt động dịch vụ tàu lặn vào Nghị định số 58/2017/NĐ-CP sẽ phải có Báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với nhiệm vụ không được Chính phủ giao và phải có ý kiến đồng ý của Chính phủ đối với việc bổ sung quy định. Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng hồ sơ đề nghị đối với nội dung quản lý hoạt động tàu lặn.
Từ những nội dung phân tích nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải là cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn