• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nghị định 46/2015/NĐ-CP: Nâng cao hiệu quả công trình xây dựng

(Chinhphu.vn) - Có hiệu lực từ hôm nay (1/7), Nghị định 46/2015/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, đơn giản thủ tục hành chính trong công tác nghiệm thu, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, vận hành công trình.

01/07/2015 10:20
Quy định mới sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng - Ảnh minh họa

Để thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cả trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì công trình xây dựng phù hợp với quy định của Luật Xây dựng 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, thay thế Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Nghị định 114/2010/NĐ-CP.

Với nhiều điểm mới, Nghị định 46/2015/NĐ-CP sẽ khắc phục được một số tồn tại, hạn chế như việc phân loại, phân cấp công trình xây dựng chưa phù hợp; quy định về nghiệm thu công việc vẫn chưa tạo bước đột phá nhằm giảm lượng hồ sơ không cần thiết; quy định bảo hành công trình xây dựng còn cứng nhắc, gây khó khăn cho một số nhà thầu thi công xây dựng công trình; chưa rõ các quy định, chế tài về xử lý công trình có dấu hiệu nguy hiểm, công trình hết niên hạn sử dụng; thiếu các quy định về đánh giá an toàn đối với các công trình quan trọng quốc gia...

Làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu

Nghị định đã làm rõ thêm một số nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về xây dựng; phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng…

Cụ thể, nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình...

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Phân định rõ trách nhiệm của nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng; nhà thầu chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; nhà thầu thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác có liên quan.

Minh bạch quy trình khảo sát, thi công, nghiệm thu, bàn giao công trình

Đối với công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, Nghị định đã quy định về trình tự quản lý chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; quy định các nội dung quản lý chất lượng công tác khảo sát, thiết kế xây dựng.

Đối với công tác thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình, thực tế tại một số công trình trọng điểm thời gian qua cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình giám sát thi công còn hạn chế đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra như một số sự cố tại các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội, vụ việc sập giàn giáo tại tỉnh Hà Tĩnh…

Do vậy, để quản chặt chất lượng thi công xây dựng, minh bạch, chặt chẽ hơn trong từng quy trình, Nghị định đã quy định cụ thể trình tự, nội dung quản lý chất lượng của các chủ thể trong quá trình thi công xây dựng công trình từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng.

Ngoài ra, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ liên quan đến chất lượng công trình như quản lý chất lượng công trình, kiểm định xây dựng, giám định chất lượng, giám định tư pháp xây dựng, người quản lý, sử dụng công trình, thí nghiệm, quan trắc, chứng nhận hợp quy, thời gian sử dụng công trình, …

Quy định còn thiếu về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ cũng được bổ sung. Theo đó, công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh. Khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ áp dụng các quy định của Nghị định này để quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Bên cạnh đó, các nội dung về thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình trong quá trình thi công xây dựng cũng được làm rõ.

Giảm lượng hồ sơ công trình

Hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính, không gây khó khăn cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, Nghị định đã bổ sung, sửa đổi các quy định về hồ sơ để giảm lượng hồ sơ, phù hợp với thông lệ quốc tế như cho phép ghép các công việc xây dựng cần nghiệm thu trong một biên bản nghiệm thu, loại bỏ biên bản nghiệm thu nội bộ của nhà thầu, có thể sử dụng thư kỹ thuật hàng ngày thay cho nhật ký thi công xây dựng…

Các thông tư hướng dẫn kèm theo Nghị định dự kiến ban hành trong thời gian sắp tới sẽ có những quy định mới, chi tiết nhằm đơn giản và giảm thiểu khối lượng hồ sơ khi nghiệm thu nhưng vẫn bảo đảm được việc kiểm soát chất lượng trong suốt giai đoạn thi công xây dựng.

Giao trách nhiệm cụ thể trong giải quyết sự cố công trình xây dựng

Nghị định cũng đã phân cấp trách nhiệm trong báo cáo, giải quyết, giám định, thẩm quyền giải quyết sự cố và hồ sơ sự cố không chỉ trong quá trình thi công xây dựng mà còn trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.

Cụ thể, khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định.

UBND các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng và thực hiện các công việc sau: Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng thi công hoặc khai thác sử dụng đối với hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo mức độ và phạm vi sự cố; Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn; Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố.

UBND cấp tỉnh xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật; căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh có thể phân cấp cho UBND cấp huyện chủ trì giải quyết đối với sự cố công trình xây dựng cấp III.

Về bảo trì công trình, Nghị định đã bổ sung quy định về xử lý đối với công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; quy định về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng, công trình không xác định được niên hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp.

Ngoài ra, bổ sung các quy định về đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng đối với các hạng mục công trình, công trình xây dựng đối với các công trình quan trọng quốc gia, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

Với những quy định mới, cụ thể hơn, Nghị định sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng, bảo đảm công trình đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Lê Quang

Phó Cục trưởng Cục GĐNN về chất lượng CTXD