Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Cường tốt nghiệp đại học ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp năm 2008, đến năm 2017 tốt nghiệp thạc sĩ ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ông có các chứng chỉ hành nghề: Quản lý dự án hạng I (Xây dựng dân dụng – công nghiệp và Hạ tầng kỹ thuật); Giám sát xây hạng I (Xây dựng dân dụng – công nghiệp và Hạ tầng kỹ thuật); Đấu thầu; Khảo sát địa hình hạng II và đã có thời gian công tác tại doanh nghiệp xây dựng tư nhân đúng vị trí yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, có đóng BHXH kể từ ngày tốt nghiệp đại học là 10 năm (trong đó có 6 năm có bằng thạc sĩ).
Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP:
"Đối với các trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được hưởng 100% tiền lương và các loại phụ cấp (nếu có). Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm".
Ông Cường hỏi, ông đã có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì ông có phải hoàn thiện chứng chỉ bồi dưỡng nêu trên không?
Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, quy định:
"Trường hợp người tập sự có bằng tốt nghiệp ở trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm tuyển dụng thì mỗi mức trình độ đào tạo cao hơn được cộng thêm 01 bậc lương và được hưởng 85% hệ số lương ở bậc được xếp. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật".
Theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP:
"Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định này mà trước đó đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) thì thời gian đó được tính làm căn cứ để xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định".
Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 05/2024/TT-BNV quy định:
"Điều 4. Xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức kể từ ngày 07 tháng 12 năm 2023
a) Về xếp lương: Căn cứ vào tổng thời gian hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) trừ đi thời gian tập sự tính theo quy định của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, thời gian còn lại làm căn cứ để xếp lương ở chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, tiếp nhận như sau: Tính từ bậc 1 của chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại A0, loại A1 hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 1 bậc lương. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương loại A0, loại A1) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong chức danh được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận.
b) Về xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận: Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật được tính để xếp lương vào hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận quy định tại khoản này thì thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm được tính kể từ ngày có cùng trình độ đào tạo hoặc có trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận".
Ông Cường thuộc trường hợp không phải thực hiện tập sự theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP. Ông hỏi, ông có được xếp lương chức danh viên chức loại A1 với bậc 5 và hệ số là 3,66 không (thạc sĩ cộng thêm 1 bậc và 9 năm đóng BHXH bắt buộc phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được cộng thêm 3 bậc nữa, tổng là 4 bậc tương đương bậc 5 với hệ số lương là 3,66)?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) quy định:
"Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng".
Do đó, trường hợp ông Nguyễn Mạnh Cường có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật thì được sử dụng thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.
Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định:
"Các trường hợp được tuyển dụng vào viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm;
b) Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đáp ứng điều kiện tại điểm a nhưng chưa đủ thời gian theo quy định tại điểm b thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định. Đối với các trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được hưởng 100% tiền lương và các loại phụ cấp (nếu có). Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm".
Do đó, trường hợp thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước đó của ông Cường nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì không thực hiện chế độ tập sự.
Việc xếp lương thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 05/2024/TT-BNV.
Chinhphu.vn